(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về bán đấu giá tài sản, thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế cần tháo gỡ sau 4 năm triển khai. Nghị định này được đánh giá là có nhiều điểm mới, hoàn thiện hơn và đáp ứng được nhu cầu của hoạt động bán đấu giá tài sản.
Nghị định quy định rõ hơn về đối tượng tài sản phải áp dụng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, bao gồm: Tài sản để thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản bảo đảm được xử lý bằng bán đấu giá; tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp cá nhân, tổ chức lựa chọn bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thì trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này cũng được áp dụng.
Nâng cao tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên
Nghị định 05/2005/NĐ-CP quy định điều kiện được cấp thẻ đấu giá viên tương đối đơn giản, chưa tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm của đấu giá viên (quy định người có bằng đại học trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có thể trở thành đấu giá viên mà không cần phải qua đào tạo, bồi dưỡng).
Nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, Nghị định mới quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên. Theo đó, đấu giá viên phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá.
Do tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề đối với đấu giá viên được nâng lên, nên trách nhiệm pháp lý của họ cũng được nâng cao. Cụ thể, đấu giá viên được sử dụng quyền của mình để xử lý trực tiếp, kịp thời các hành vi thông đồng dìm giá hoặc vi phạm nội quy bán đấu giá của những người tham gia đấu giá.
So với Nghị định 05, Nghị định mới còn bổ sung quy định về việc cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của đội ngũ đấu giá viên.
Quy định rõ hơn về tổ chức bán đấu giá tài sản
Thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hoá về tổ chức bán đấu giá tài sản, Nghị định xác định rõ hơn các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp gồm có: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Hiện nay, trong cả nước đã có 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do UBND tỉnh thành lập và 104 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Ngoài các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, còn có 2 loại Hội đồng: Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện được thành lập để thực hiện bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá. Với quy định rõ ràng như trên sẽ góp phần khắc phục tình trạng thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản một cách tràn lan ở các địa phương.
Tăng mức tiền đặt trước
Nghị định quy định, người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Theo quy định cũ, khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận không quá 5% giá khởi điểm là quá thấp, nhiều trường hợp tiền đặt cọc quá nhỏ dẫn đến bỏ cuộc. Vì vậy, Nghị định nâng mức tiền đặt trước cao hơn (tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15%) nhằm khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc họ sẵn sàng chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan hoặc vì mục đích vụ lợi. Đồng thời, quy định mức trần với sự linh hoạt nhất định vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Hạn chế thông đồng trong đấu giá tài sản
Nghị định 05 quy định trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Nếu người liền kề không đồng ý mua hoặc giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá không thành và khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá.
Tuy nhiên, quy định này đã bị lợi dụng trên thực tế, có tình trạng cố tình trả giá rất cao, được tuyên bố là người mua được tài sản rồi lại từ chối mua để người liền kề mua được tài sản và hai bên chia nhau số tiền chênh lệch. Ngoài ra, khả năng cuộc bán đấu giá không thành là rất cao vì người trả giá liền kề có thể không đồng ý mua.
Do đó, Nghị định mới đã sửa đổi theo hướng quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với người từ chối mua và hạn chế sự thông đồng giữa một số người tham gia đấu giá. Cụ thể, người từ chối mua tài sản không được hoàn trả khoản tiền đặt trước và khoản tiền này thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Đồng thời, tài sản chỉ được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.
Quy định như trên sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi của người có tài sản, không làm giảm giá trị của tài sản bán đấu giá và bảo đảm cuộc bán đấu giá thành.