Trong bài “Sức khỏe và thể dục”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”. Theo Hồ Chí Minh, sức khoẻ của nhân dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước: “Dân cường thì quốc thịnh”.
Thấm nhuần tư tưởng đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục xác định một trong những nội dung định hướng phát triển đất nước gia đoạn 20221-2030 là “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”.
Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia, trong đó Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, tại Điều 12 ICESCR quy định: mọi người dân có quyền được thụ hưởng những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần thiết để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể.
Vấn đề này được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.” (Điều 38).
Đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tiếp tục được hoàn thiện, trong đó phải kể đến: Luật số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác số 75/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngà 21/11/2007, Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2015, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14 ngày 14/06/2019, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 ngày 18/06/2012, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 64/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 71/2020/QH14 ngày 16/11/2020; Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009, Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024), Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008,… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của toàn dân.
Mới đây, ngày 09/01/2023, Quốc hội khóa XV vừa thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 với một số nội dung mới như:
- Nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề;
- Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm (Điều 27) và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề (Điều 32);
- Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học;
- Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Ngày 13/02/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 788/QĐ-BYT kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2023, trong đó đặt ra lộ trình cụ thể để thực hiện các đề án dự thảo, sửa đổi các văn bản pháp luật như: Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược; Luật phòng bệnh; Luật trang thiết bị y tế; Luật dân số; Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi); Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận. Bên cạnh đó triển khai một só đề án sắp lại tổ chức, bộ máy các đơn vị như: Đề án thực hiện lộ trình chuyển một số bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý; Đề án sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định để hình thành cơ quan kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế; Đề án sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng tuyến trung ương thành trung tâm kiểm soát dịch bệnh trung ương,…
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc thực thi pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng có những tích cực như triển khai hệ thống mạng lưới y tế dự phòng trên toàn quốc; từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến được cải thiện; kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại; cơ chế hoạt động, tài chính, giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được đổi mới, nhiều bệnh viện công lập đã tự chủ được tài chính; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe người dân, quản lý hoạt động của trạm y tế xã, quản lý các cơ sở y tế……
Mặc dù vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn những hạn chế như: hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, hệ thống y tế dự phòng hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến trên; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế; 1uản lý giá, mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc ở một vài nơi còn chưa chặt chẽ; chính sách ương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập chưa tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo dẫn đến tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc,…
Để tiếp tục cải thiện công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục quan tâm phát triển y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương; thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quan tâm tới sự hài lòng của người bệnh; phát triển nguồn nhân lực y tế và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, cùng với việc nâng cao y đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề là xây dựng chính sách đãi ngộ xứng đang với đội ngũ cán bộ y tế; phát triển sản xuất, cung ứng dược, trang thiết bị y tế; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm; cải thiện chất lượng thông tin y tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, đổi với công tác quản lý tài chính của ngành y tế,…
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), xin được gửi tới các y, bác sĩ và những cán bộ làm công tác y tế lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục giữ nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người, xứng đáng với lời dặn của Bác “Lương y như từ mẫu”.