Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
1. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thuộc loại khai theo tháng, bao gồm:
a) Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định này thì được lựa chọn khai theo quý.
b) Thuế tiêu thụ đặc biệt.
c) Thuế bảo vệ môi trường.
d) Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên quy định tại điểm e khoản này.
đ) Các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước (trừ phí, lệ phí do cơ quan đại diện nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phí hải quan; lệ phí hàng hoá, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh).
e) Đối với hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên: Thuế tài nguyên; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế đặc biệt của Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” tại Lô 09.1 theo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga ký ngày 27 tháng 12 năm 2010 về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” (sau đây gọi là Liên doanh Vietsovpetro tại Lô 09.1); tiền lãi khí nước chủ nhà được chia.
Theo như quy định trên thì ngoài trừ những trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP để kê khai thuế theo quý thì thuế giá trị gia tăng sẽ được kê khai theo tháng.
Tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định như sau:
Thời hạn nộp thuế
1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.
Như vậy, có thể thấy đối với thuế giá trị gia tăng kê khai theo tháng thì thời hạn nộp thuế sẽ là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai. Nghĩa là đối với kỳ tính thuế tháng 4 thì thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng tháng 4/2023 là chậm nhất vào ngày 20/5/2023.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP, trong đó tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 12/2023/NĐ-CP quyết định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.
Do đó, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP thì thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng tháng 4/2023 sẽ được kéo dài đến ngày 20 tháng 11 năm 2023. Còn nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn thì vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng tháng 4/2023 chậm nhất là ngày 20/5/2023.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Thông báo tình hình biến động lao động
...
2. Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Theo như quy định trên thì trước ngày 3/5/2023 thì doanh nghiệp phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (nếu có) trong tháng 4 vừa rồi.
Kế toán doanh nghiệp phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động, kinh phí công đoàn vào ngày nào trong tháng 5/2023?
Căn cứ vào Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 như sau:
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, đối với doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chậm nhất là ngày 31/5/2023 thì doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho tháng 5/2023.
Bên cạnh đó, tại Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Phương thức đóng kinh phí công đoàn
1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.
2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Như vậy, kèm theo đó là việc doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn cho tháng 5/2023 chậm nhất là vào ngày 31/5/2023.