Tính lãi chậm đóng và truy thu BHXH trong trường hợp nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023 do BHXH TP. HCM hướng dẫn có quy định các trường hợp sau sẽ bị tính lãi chậm đóng và truy thu BHXH:
Về lãi chậm đóng:
Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng. Tiền lãi chậm đóng được tính vào ngày đầu hằng tháng.
Về Truy thu:
- Truy thu do trốn đóng:
Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:
+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
+ Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
- Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
- Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động:
Trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
Lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH là bao nhiêu? Công thức tính lãi chậm đóng BHXH ra sao?
Về mức lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH:
Lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023 có nêu lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi tương tự mức lãi suất quy định tại Điều 37 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 cụ thể như sau:
- Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.
- Đối với BHYT, tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.
Về công thức tính lãi chậm đóng BHXH:
Theo quy định tại Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN như sau:
Lcđi = Pcđi x k (đồng)
Trong đó:
- Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).
- Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:
Pcđi = Plki - Spsi (đồng)
Trong đó:
Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).
Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.
- k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%)
Tiền truy thu BHXH được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 888/QĐ-BHXH năm 2018) như sau:
- Tổng số tiền truy thu bằng tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và tiền lãi.
- Số tiền lãi truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính như sau:
Trong đó:
Ltt: tiền lãi truy thu;
v: số tháng trốn đóng trong năm j phải truy thu;
y: số năm phải truy thu;
Pttij: Số tiền phải truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của tháng i trong năm j;
Nij: thời gian trốn đóng tính bằng số tháng kể từ tháng trốn đóng i của năm j đến tháng trước liền kề tháng thực hiện truy thu, theo công thức sau:
Nij = (T0 - Tij) - 1
Trong đó:
T0: tháng tính tiền truy thu (theo dương lịch);
Tij: tháng phát sinh số tiền phải đóng Pttij (tính theo dương lịch);
kj: lãi suất tính lãi truy thu (%)
- Đối với truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016 thì kj được tính theo mức lãi suất chậm đóng tính theo tháng áp dụng đối với năm 2016; thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi thì kj được tính theo mức lãi suất chậm đóng tính theo tháng áp dụng đối với từng năm.
- Đối với truy thu BHXH bắt buộc tại điểm 1.2 và truy thu BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN tại Điểm 1.3 khoản 1 Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì kj được tính bằng mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề năm tính truy thu.
Trường hợp truy thu thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, k tính bằng mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với các tháng của năm 2016 theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
1. Phổ biến pháp luật
Bãi bỏ thông tư xét nâng ngạch không qua thi với công chức đã có thông báo nghỉ hưu
Bãi bỏ thông tư xét nâng ngạch không qua thi với công chức đã có thông báo nghỉ hưu là nội dung tại Thông tư 4/2023/TT-BNV ngày 03/5/2023.
Theo đó, tại Thông tư 4/2023/TT-BNV quy định bãi bỏ toàn bộ Thông tư 03/2008/TT-BNV về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức viên chức đã có thông báo nghỉ hưu.
Quy định về xét nâng ngạch với công chức hiện nay
Cụ thể, theo Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về xét nâng ngạch với công chức hiện nay như sau:
- Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
+ Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
+ Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức như sau:
+ Đối với nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở;
+ Đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
+ Đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
- Căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định theo thẩm quyền;
Hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch đối với công chức ngay sau khi công chức đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP .
- Cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được xét nâng ngạch và lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký xét nâng ngạch của công chức theo quy định của pháp luật.