Triển khai Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiều ngày 17/9/2021, Sở Tư pháp đã tổ chức Chương trình tọa đàm “Kết nối luật sư với doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh”. Qua Chương trình Tọa đàm, Sở Tư pháp mong muốn luật sư và doanh nghiệp có thể gắn kết đồng hành trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó tạo thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho thị trường dịch vụ pháp lý và từng bước nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp.
Tại buổi Tọa đàm, Giám đốc Công ty Luật Vũ Anh - Luật sư Vũ Quang Ninh đã có những trao đổi về kiến thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Dưới đây là nội dung bài tham luận:
Ngày 25/07/2006, Văn phòng Luật sư Vũ Anh được thành lập.
Đáp ứng sự phát triển nghề nghiệp của Luật luật sư, ngày 12/10/2007, Văn phòng Luật sư Vũ Anh chuyển đổi thành Công ty Luật TNHH Vũ Anh.
Trải qua hơn 15 năm hoạt động, lúc đầu chỉ có 03 người, đến nay, Công ty Luật Vũ Anh thường xuyên duy trì số lượng 18 - 20 người, được biên chế thành 04 Phòng, Ban chức năng, hoạt động chuyên trách.
Thương hiệu “Luật Vũ Anh” được các đồng nghiệp và nhiều cơ quan, tổ chức, người dân trong và ngoài Tỉnh biết đến là tổ chức hành nghề luật chuyên nghiệp, có uy tín, là “điểm tựa niềm tin” đối với khách hàng như Slogan của Công ty đặt ra từ ngày đầu thành lập.
Công ty Luật Vũ Anh duy trì hoạt động trên các lĩnh vực: tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp, dịch vụ pháp lý và tham gia tố tụng tại tòa.
Đối với hoạt động tư vấn thường xuyên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay, Công ty đã có hợp đồng thường xuyên với xấp xỉ 200 doanh nghiệp; đưa ra hàng ngàn Phiếu tư vấn bằng văn bản và Thư khuyến cáo tới các doanh nghiệp trên các mặt quản lý: lao động, tiền lương, BH bắt buộc, tài chính, kế toán, thuế, giao dịch, hợp đồng, hợp tác đầu tư, liên kết kinh tế, chuyển nhượng dự án, mua bán doanh nghiệp, cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp, v.v…
Tham gia hội nghị này, Công ty Luật Vũ Anh đánh giá cao chủ đề tọa đàm: “Kết nối Luật sư với doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh” của Ban Tổ chức, bởi đây là một ý tưởng thiết thực đối với các doanh nghiệp và luật sư trong Tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng dịch vụ xã hội bị đứt gãy, các mối quan hệ, giao thương kinh tế bị chia cắt do dịch bệnh Covid 19, rất cần có sự chắp nối, gắn kết lại, góp phần ổn định trật tự xã hội, duy trì sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh của nhân dân.
Chủ đề tọa đàm “Kết nối Luật sư với doanh nghiệp” có nhiều ý nghĩa hơn khi được nhìn nhận, đánh giá qua thực trạng trong những năm gần đây:
1. Về phía các doanh nghiệp:
Mọi người đều biết, doanh nghiệp là một thực tể kinh tế, từ khi được thành lập, đã được đặt trong vô số các quan hệ pháp luật, được điều chỉnh bởi 230 Bộ luật, luật đang có hiệu lực thi hành (Nguồn: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/danh-muc-cac-bo-luat-luat-cua-viet-nam-230-18136-article.html), hàng ngàn Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành thuộc TW.
Chỉ xét riêng trong nội bộ doanh nghiệp, đã thấy có khá nhiều quan hệ được pháp luật điều chỉnh, như: quan hệ giữa NSDLĐ với NLĐ; giữa người góp vốn với bộ máy điều hành; giữa Giám đốc với các phòng ban chức năng; quan hệ giữa các thành phần này với nhau v.v…, và không phải doanh nghiệp nào cũng vận dụng được các quy định pháp luật để giải quyết hài hòa các mối quan hệ bên trong đó. Không ít các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ đã phá hỏng doanh nghiệp, xô đẩy nhau vào vòng lao lý, để lại những nuối tiếc, không có cơ hội khôi phục lại...
Doanh nghiệp còn có nhiều mối quan hệ ra bên ngoài, như: với hệ thống cơ quan Nhà nước (Cấp Trung ương có 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ (Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/trinh-co-cau-to-chuc-chinh-phu-nhiem-ky-2021-2026-giu-nguyen-18-bo-va-4-co-quan-ngang-bo-586082.html; Cấp Tỉnh có 17 Sở và VP_Nguồn: Nghị định 24/2014/NĐ-CP; Cấp Huyện có 09 Phòng chuyên môn và VP_Nguồn: Nghị định 108/2020/NĐ-CP và cấp Xã), cơ quan tố tụng: Công an, Kiểm sát, Tòa án ở các cấp, Đảng Đoàn chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp v.v.... với các doanh nghiệp, bạn hàng, đối tác kinh tế…
Hàng ngày, hàng giờ các mối quan hệ đó hình thành, phát sinh, phát triển… đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải xử lý linh hoạt, kịp thời, đúng quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thời gian, điều kiện tiếp cận, nắm bắt, nghiên cứu, vận dụng được các quy phạm pháp luật để giải quyết đạt kết quả các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đơn vị.
Một số doanh nghiệp lập Phòng pháp chế, tuyển dụng cử nhân luật, luật sư, nhưng hoạt động còn hình thức, cán bộ pháp chế doanh nghiệp ít có cơ hội tranh luận, phản biện, đưa ra ý kiến trái chiều với chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, do đó hiệu quả công tác chưa cao.
Vệc kết nối giữa doanh nghiệp và tổ chức hành nghề luật trong Tỉnh đã được manh nha, hình thành, nhưng mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, … đa số doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác với luật sư khi đơn vị có phát sinh mâu thuẫn, xung đột, mâu thuẫn cần giải quyết … lúc đó doanh nghiệp mới đi tìm tổ chức hành nghề luật và luật sư.
Sự hợp tác nhất thời, “nước đến chân mới nhảy” nhằm giải quyết vụ/ việc mang tính đột xuất không tránh khỏi cho doanh nghiệp tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hình ảnh của đơn vị trên bước đường phát triển và không phải lúc nào vụ/ việc cũng được giải quyết đạt kết quả.
Sự phối hợp giữa luật sư, doanh nghiệp mang tính thời vụ chỉ giải quyết phần ngọn những sự kiện pháp lý, không giải quyết được tận gốc nguyên nhân mâu thuẫn, xung đột sẽ không mang lại sự an tâm, an toàn cho doanh nghiệp.
2. Về phía các tổ chức hành nghề luật sư
Các luật sư và tổ chức hành nghề luôn sẵn lòng làm người bạn “đồng hành cùng doanh nghiệp”, muốn góp công sức, trí tuệ, hiểu biết pháp luật vào thành công của doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trong Tỉnh ta không phải không có tổ chức hành nghề có tâm, có tầm, có kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp, có tổ chức chặt chẽ, bài bản, tác phong chuyên nghiệp, có đội ngũ cố vấn pháp lý doanh nghiệp tin cậy, giúp cho doanh nghiệp tự tin, yên tâm đầu tư, hạn chế rủi ro pháp lý, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của doanh nghiệp trong các quan hệ pháp luật, giảm bớt những trăn trở, lo lắng, phấp phỏng khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xác minh, điều tra doanh nghiệp.
Một số tổ chức hành nghề luật trong lĩnh vực tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp đã vươn tầm ra các địa bàn trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng Công ty Luật Vũ Anh, cũng đã có hợp đồng tư vấn cho các doanh nghiệp ở các Tỉnh, Thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nha Trang, Đắc Nông, Bình Định v.v….và nhận được các ý kiến đánh giá cao về chất lượng dịch vụ pháp lý.
Đội ngũ luật sư tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật Vũ Anh nói riêng, các luật sư trong Tỉnh nói chung tự tin khẳng định, mọi yêu cầu tư vấn liên quan đến kinh tế, tài chính, kế toán, thuế, lao động, hợp đồng, đầu tư, dự án, tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng bộ máy, hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, quy hoạch, quản trị nhân sự theo chỉ số KPI, đều làm được, làm đúng, làm tốt và không hề kém bất kỳ tổ chức hành nghề luật nào đang có mặt ở Việt Nam (kể cả việc tư vấn cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam).
Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc thấy rằng, bên cạnh những việc đã làm được, phần lớn tổ chức hành nghề luật sư của chúng ta còn nhỏ bé (đa số chỉ có từ 3 đến 7 biên chế/ đơn vị), cơ sở vật chất còn hạn chế, diện tích văn phòng còn chật hẹp (các Công ty, văn phòng luật đều thuê nhà dân, hoặc tự bỏ 1 phần nhà ở của mình ra để làm văn phòng, chưa có trụ sở riêng), kinh phí đầu tư cho nghề luật chưa được nhiều (chỉ khoảng từ 5 đến 10 tỷ đồng), chất lượng đội ngũ nhân sự chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa được chăm lo đào tạo nâng cao trình độ chuyên sâu, chưa ứng dụng được nhiều công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và hành nghề luật, chưa tạo được sự liên kết giữa các đơn vị hành nghề luật, chưa được cung cấp đầy đủ tình hình kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh bằng kênh chính thức của các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp trong Tỉnh, ít được tham gia các hoạt động do các Sở, Ban, Ngành tổ chức…
Vì vậy, một bộ phận luật sư, tổ chức hành nghề chưa theo sát được tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, doanh nghiệp, chưa gắn kết với doanh nghiệp, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi cần đến. Ví dụ: phân tích, nhận định, đánh giá Báo cáo tài chính, Hồ sơ dự án, Hồ sơ chào thầu, Hồ sơ dự thầu, Hợp đồng PPP, BOT, BTO, EPC, dự thảo văn bản, hợp đồng với các đối tác nước ngoài, tư vấn cho doanh nghiệp đàm phán, thương thảo, ký kết với nhà đầu tư nước ngoài v.v…);
Phần lớn các luật sư chọn cho mình hoạt động tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi, hoặc bào chữa cho thân chủ do chủ động được công việc, không phải làm thay cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp, không bị “sai vặt” hoặc cư xử không đúng với mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng tư vấn pháp luật.
Do đó, không có nhiều luật sư chọn con đường tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, tình trạng “việc ai nấy làm” là phổ biến, sự gắn kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và luật sư còn hạn chế.
3. Một số giải pháp chung
3.1. Hiện nay, Đảng ta đang kiên trì chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền; khẩu hiệu: Sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật đều được mọi người biết đến. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện và sát hơn với thực tiễn, chương trình cải cách tư pháp, hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ được Chính phủ quan tâm thực hiện…Đồng thời, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tham ô, tiêu cực, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ trong CQNN cũng đặt ra các yêu cầu nâng cao hơn nữa ý thức thực hiện pháp luật trong doanh nghiệp và toàn xã hội.
Các tổ doanh nghiệp cần tiếp tục thay đổi tư duy, coi việc tuân thủ pháp luật vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để duy trì và phát triển doanh nghiệp, giảm bớt cách thức làm ăn mang mang tính tranh thủ, chộp giật, được chống lưng bởi quan hệ với các ông anh, bà chị, không quan tâm củng cố, nâng cao “kháng thể” của doanh nghiệp, sa đà vào quan hệ xin cho, chạy chọt, đánh mất vị thế của doanh nhân, địa vị pháp lý của doanh nghiệp, làm hỏng cán bộ, vô hiệu hóa hệ thống pháp luật, tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh nhà.
Khi doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn pháp luật trong mỗi việc làm của mình, sẽ tạo ra thị trường dịch vụ pháp lý đa dạng, có “cầu” sẽ có “cung”. Quảng Ninh không chỉ được biết đến là Tỉnh có rừng vàng, biển bạc, có kỳ quan thiên nhiên thế giới, mà còn là thị trường dịch vụ pháp lý tiềm năng, nơi hội tụ không chỉ các nhà đầu tư, mà còn là điểm đến của nhiều hãng luật của Tỉnh, trong nước và quốc tế.
Làm thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen kinh doanh theo pháp luật dựa vào pháp luật để làm giầu, đưa pháp luật vào đời sống doanh nghiệp đã và đang đặt ra trách nhiệm lớn hơn cho các Ngành, các cấp trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UB có Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề, biện pháp chỉ đạo cụ thể, làm căn cứ cho cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Luật Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019 của Chính phủ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với phương châm: “làm đúng có tiền, làm tốt có lãi”.
Gần 100 luật sư, 40 tổ chức hành nghề luật trong Tỉnh sẽ là lực lượng quan trọng thực hiện Chương trình kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho DN.
3.2. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai Chương trình khởi nghiệp quốc gia do Chính phủ phát động, mục tiêu phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 (Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quang-ninh-moi-dat-18-300-doanh-nghiep-so-voi-muc-tieu-25-000-doanh-nghiep-vao-nam-2020-post211285.html). Chỉ tiêu hàng năm, thành lập mới được 2.000 doanh nghiệp để gia nhập vào đời sống kinh tế, xã hội của Tỉnh (Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nam-2021-quang-ninh-muon-thanh-lap-tren-2000-doanh-nghiep-d19477.html).
Được biết, Sở KHĐT đã tham mưu cho Tỉnh kiện toàn Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh, Doanh nghiệp Trẻ, Liên minh HTX, các Hiệp hội doanh nghiệp cấp Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc tỉnh. Các Hiệp hội đã tổ chức hoạt động, mở câu lạc bộ “Cà phê doanh nhân”, mời một số luật sư và tổ chức hành nghề luật tham gia giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp…
Sở Tư pháp có thể phối hợp với Sở KH&ĐT, xây dựng Chương trình, cụ thể hóa ý tưởng “Kết nối doanh nghiệp với luật sư” bằng nội dung, biện pháp cụ thể, như: tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu, trao đổi, nói chuyện thời sự pháp luật, giải đáp những vấn đề pháp lý doanh nghiệp đang quan tâm, giới thiệu tổ chức hành nghề luật với doanh nghiệp, bình chọn, tôn vinh doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật có thành tích trong công tác đưa pháp luật vào SXKD, biểu dương các đơn vị biết vận dụng pháp luật để làm giầu, phát triển v.v…
Tạo ra môi trường để doanh nghiệp, luật sư gắn kết với nhau, sát cánh cùng nhau tồn tại, phát triển, vượt qua khó khăn trong đại dịch, hạn chế tranh chấp, rủi ro pháp lý, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh chắc chắn là mong mỏi trong mỗi chúng ta, những người có tinh thần thượng tôn pháp luật.
3.3. Mặc dù bị hạn chế bởi dịch bệnh, nhưng xu thế hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng nội lực cùng với hiểu biết pháp luật là một tất yếu khách quan.
Để có đội ngũ luật sư, hệ thống tổ chức hành nghề luật ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra từ xu hướng phát triển chung, có khả năng, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm đi tắt, đón đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội, đồng hành, gắn kết với doanh nghiệp, trở thành người bạn không thể thiếu của doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý mỗi khi có khúc mắc, trở ngại, khó khăn, góp phần giải quyết từ sớm, từ xa, triệt tiêu những mầm mống rủi ro, mâu thuẫn, xung đột từ trong trứng nước bằng hoạt động nghiên cứu pháp luật cẩn trọng, kỹ lưỡng, tư vấn cho doanh nghiệp vận dụng tối đa, triệt để các quy định pháp luật vào hoạt động của doanh nghiệp, cần có sự nỗ lực học hỏi, vươn lên của mỗi luật sư, mỗi tổ chức hành nghề luật bằng cả tâm, tài, và trí. Và không thể thiếu sự chăm lo, đào tạo của cấp ủy, chính quyền, các Sở, Ban, Ngành trong Tỉnh, mà đơn vị quản lý Nhà nước đối với các tổ chức hành nghề luật là Sở Tư pháp.
Mong rằng thời gian gần đây, đội ngũ luật sư của tỉnh Quảng Ninh sẽ được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng không chỉ để phục vụ cho Chương trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQTW của BCH TW Đảng, trong hoạt động tranh tụng mà còn phục vụ được nhiều hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân theo Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được luật hóa từ năm 2019.
Điều sau cùng, tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp trong tài liệu tham luận này là,
Với 499 đại biểu quốc hội, hàng vạn đại biểu HĐND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW, đội ngũ công chức trong hệ thống hành chính 4 cấp từ TW đến xã phường, ngày đêm nghiên cứu ban hành và thực thi pháp luật, về cơ bản, sẽ không còn lĩnh vực nào, hoạt động gì của doanh nghiệp là không có trong quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Từ khởi nghiệp, lập nghiệp, quản lý con người, tài chính, cơ sở vật chất, hợp đồng, hợp tác, giao thương, hạch toán lãi lỗ theo 26 chuẩn mực kế toán, 41 chuẩn mực kiểm toán đến sáp nhập, giải thể, chia tách, phá sản doanh nghiệp đều có quy định rất chi tiết, cụ thể.
Ông chủ DN nào không biết, không nắm được, hoặc không vận dụng được những quy định pháp luật vào hoạt động kinh doanh của đơn vị mình là thiệt thòi, và luôn phải đối mặt với các chế tài ngày càng khắc nghiệt của Nhà nước.
Sẽ là cực đoan, phiến diện khi cho rằng kinh doanh dựa trên các quy định của pháp luật thì không có rủi ro pháp lý, nhưng chắc chắn rằng kinh doanh trái pháp luật thì sớm hay muộn cũng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Vì vậy kết hợp giữa DN và luật sư là nhu cầu tất yếu, là động lực thúc đẩy luật sư và doanh nghiệp cùng phát triển, góp phần vào sự phồn thịnh của Tỉnh QN và vì sự an toàn theo nghĩa rộng cho mỗi doanh nghiệp.
Cảm ơn Sở Tư pháp, Đoàn luật sư Tỉnh đã cho tôi được tham luận với mong mỏi thúc đẩy quan hệ hữu cơ giữa DN và LS ngày càng phát triển, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và triển vọng của Tỉnh QN chúng ta trong sơ đồ phát triển kinh tế của cả nước.
Chúc các vị sức khỏe, hạnh phúc, chiến thắng dịch bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn!