Cụ thể, 04 đối tượng được đề nghị đề xuất bổ sung vào diện miễn đóng góp Quỹ phòng chống thiên tai như sau:
(1) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc bệnh tâm thần có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(2) Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
(3) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III; các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực II, khu vực I theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn.
(4) Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài không có nguồn thu.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị định, việc bổ sung các đối tượng trên để phù hợp, thống nhất với khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai (đã được Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 sửa đổi, bổ sung), theo đó, bổ sung các đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự.
Điều 23 Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định về mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi.
Việc bổ sung các đối tượng trên thể hiện chính sách nhân văn và sự bảo vệ của nhà nước đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, người yếu thế trong xã hội.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của nhiều địa phương, cơ quan chủ trì đã bổ sung đối tượng được miễn đóng Quỹ là tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài không có nguồn thu.