1. Điểm mới về Quy tắc cụ thể mặt hàng trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA) năm 2023
Trước đây, Quy tắc cụ thể mặt hàng được quy định tại Phụ lục II Thông tư 11/2020/TT-BCT (điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 11/2020/TT-BCT).
Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 41/2022/TT-BCT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2023) bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ của Quy tắc cụ thể mặt hàng trong Phụ lục II Thông tư 11/2020/TT-BCT.
Nội dung thay đổi được quy định tại Điều 1 Thông tư 41/2022/TT-BCT cụ thể như sau:
(1) Thay thế cụm từ “hoặc kéo từ sợi filament nhân tạo” bằng cụm từ “hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo” tại cột thứ 3 - Công đoạn gia công hoặc chế biến của Nhóm HS 5309 đến 5311.
(2) Bỏ ghi chú (footnote) số 3 tại cột thứ 3 công đoạn gia công hoặc chế biến của Nhóm HS 5907 như sau: “Dệt vải rồi nhuộm hoặc phủ xơ vụn... với điều kiện trị giá của vải chưa in được sử dụng không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm”.
(3) Bổ sung ghi chú (footnote) số 5 tại cột thứ 3 - Công đoạn gia công hoặc chế biến của Nhóm HS 6213 và 6214 có mô tả hàng hóa “- đã thêu; và” như sau: “... Sản xuất từ vải chưa thêu, với điều kiện trị giá của phần vải chưa thêu được sử dụng không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm:5 hoặc....”
(4) Thay thế cụm từ “....ngòi bút và bi ngòi cùng Phân nhóm với sản phẩm có thể được sử dụng” bằng cụm từ “...ngòi bút và bi ngòi cùng Nhóm với sản phẩm có thể được sử dụng” tại cột thứ 3 - Công đoạn gia công hoặc chế biến của Nhóm HS 9608.
2. Tiêu chí xuất xứ hàng hóa theo Quy tắc cụ thể mặt hàng
Căn cứ theo Chú giải 1 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 11/2020/TT-BCT thì Quy tắc cụ thể mặt hàng tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định về tiêu chi xuất xứ áp dụng đối với công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa nhằm xác định hàng hóa có xuất xứ không thuần túy tại Mục 3 bên dưới, bao gồm 04 loại tiêu chí xuất xứ sau:
(1) Hạn mức tối đa nguyên liệu không có xuất xứ được phép sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hoá;
(2) Chuyển đổi mã số HS ở cấp độ Chương (2 số), Nhóm (4 số) hoặc Phân nhóm (6 số) của hàng hoá so với mã số HS ở cấp độ tương ứng của nguyên liệu sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hóa. Trường hợp áp dụng điểm b khoản 4, Chú giải 3 Phụ lục I, mã số HS ở cấp độ Nhóm hoặc Phân nhóm của hàng hoá được phép trùng với mã số HS ở cấp độ tương ứng của nguyên liệu sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hóa.
(3) Công đoạn gia công và chế biến cụ thể; hoặc
(4) Công đoạn gia công hoặc chế biến từ nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý.
3. Áp dụng Quy tắc cụ thể mặt hàng đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 11/2020/TT-BCT, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một Nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 11/2020/TT-BCT sẽ được coi là hàng hóa có xuất xứ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 11/2020/TT-BCT, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được coi là đã trải qua công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 11/2020/TT-BCT.
Như vậy, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một Nước thành viên Hiệp định EVFTA từ nguyên liệu không có xuất xứ sau khi đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng sẽ được coi là hàng hóa có xuất xứ.
Lưu ý:
- Quy tắc cụ thể mặt hàng nêu trên chỉ áp dụng cho nguyên liệu không có xuất xứ (điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 11/2020/TT-BCT).
- Trong trường hợp sản phẩm có xuất xứ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BCT, sau đó được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm khác, tiêu chí xuất xứ của sản phẩm khác đó không áp dụng đối với sản phẩm dùng làm nguyên liệu và không áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm dùng làm nguyên liệu (điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 11/2020/TT-BCT).