1. Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng là gì?
Theo khoản 11 Điều 3 Nghị định 27/2022/NĐ-CP, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng là phương thức hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất do chính cộng đồng dân cư đề xuất, tổ chức thực hiện.
2. Điều kiện hỗ trợ dự án, phương án sản xuất của cộng đồng
Điều kiện hỗ trợ dự án, phương án sản xuất của cộng đồng được quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP như sau:
- Đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 27/2022/NĐ-CP và quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
- Cộng đồng dân cư đề xuất dự án phát triển sản xuất gồm:
+ Nhóm hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực;
+ Tổ hợp tác thành lập tự nguyện theo quy định của pháp luật;
+ Nhóm hộ do các tổ chức chính trị - xã hội làm đại diện;
+ Nhóm hộ do Ban phát triển thôn làm đại diện;
+ Nhóm hộ do người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
- Tổ, nhóm cộng đồng phải có thành viên có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi.
- Hộ tham gia dự án phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, lao động, tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án và cam kết đảm bảo phần đối ứng thực hiện dự án.
3. Quy định về lựa chọn dự án, phương án sản xuất của cộng đồng
Theo khoản 3 Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP, việc lựa chọn dự án, phương án sản xuất của cộng đồng được quy định như sau:
(1) Cộng đồng dân cư xây dựng hồ sơ đề nghị dự án, phương án sản xuất.
Hồ sơ phải bao gồm:
- Biên bản họp dân;
- Kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm;
- Tổng chi phí dự án, đề nghị mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phần đóng góp của các thành viên tổ nhóm;
- Kết quả thực hiện dự án;
- Hình thức luân chuyển, cách thức quản lý hiện vật hoặc tiền luân chuyển quay vòng trong cộng đồng (nếu có);
- Trách nhiệm giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với quản lý hiện vật hoặc tiền luân chuyển;
- Nhu cầu đào tạo, tập huấn về kỹ thuật;
- Nội dung khác (nếu có) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Tổ thẩm định hồ sơ đề nghị dự án, phương án sản xuất và quyết định đơn vị, bộ phận giúp việc cho Tổ thẩm định.
Thành phần Tổ thẩm định bao gồm:
+ Tổ trưởng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Thành viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có dự án, phương án sản xuất của cộng đồng;
+ Lãnh đạo phòng, ban chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất do cộng đồng bình chọn (nếu có).
(3) Căn cứ ý kiến thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hoặc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng phòng, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do cộng đồng dân cư đề xuất.
(4) Nội dung quyết định dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất phải bao gồm:
- Tên dự án, phương án;
- Thời gian triển khai;
- Địa bàn thực hiện;
- Đối tượng tham gia dự án;
- Các hoạt động của dự án;
- Dự toán kinh phí thực hiện dự án;
- Nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ, vay vốn tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách và vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia (nếu có));
- Hình thức, mức quay vòng (nếu có);
- Dự kiến hiệu quả, kết quả đầu ra của dự án, phương án;
- Trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp;
- Chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm cam kết (nếu có).
4. Các nội dung được ưu tiên hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước
Nội dung hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình phù hợp với từng chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó ưu tiên thực hiện các nội dung sau:
- Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.
- Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi.
- Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.
(Khoản 4 Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP)
5. Mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Theo điểm a khoản 5 Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP, mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia được quy định như sau:
- Hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn;
- Hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn;
- Hỗ trợ tối đa không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.
* Lưu ý: Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình.