1. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam là gì?
Lao động nước ngoài có vai trò góp phần hỗ trợ việc sản xuất kinh doanh trong nước trở nên thuận lợi hơn. Bổ sung cho lực lượng lao động Việt Nam về trình độ chuyên môn, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến… Có thể thấy, việc tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thể giúp cho nền kinh tế nước ta được cải thiện, tuy nhiên, nếu người lao động nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam để làm việc thì sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Vì vậy, người sử dụng lao động cần phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định liên quan đến việc tuyển dụng và sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Điều 152 Bộ luật Lao động 2019quy định điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
- Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh;
- Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam là gì?
Khi làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài cần phải có trách nhiệm theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
- Nếu người sử dụng lao động đang sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý hành chính đối với hành vi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động như thế nào?
Người lao động làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, theo đó:
- Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng;
- Đối với người sử dụng lao động (là cá nhân sử dụng lao động) có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì bị phạt tiền như sau:
- Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
- Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Ngoài ra, nếu người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì có thể áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất.
Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần so với mức phạt tiền của cá nhân vi phạm (theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).