Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 51/2022/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để thực hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải.
Trong đó, quy định việc xác minh dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp và kết luận vụ việc như sau:
Trường hợp 1: Thông tin, dữ liệu cung cấp đã xác định được tổ chức, cá nhân bị phản ánh vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành xác minh theo các bước quy định tại Điều 21 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Thời hạn xác minh và sử dụng dữ liệu để xác minh:
- Thời hạn xác minh không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh;
- Thời hạn sử dụng dữ liệu để xác minh được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.
(2) Nội dung xác minh:
- Có hay không có hành vi vi phạm hành chính; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm hành chính;
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;
- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
- Giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Các tình tiết khác có liên quan (nếu có).
(3) Biện pháp xác minh:
Người có thẩm quyền có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp nghiệp vụ sau đây để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm rõ vụ việc:
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện, xác định hành vi vi phạm hành chính;
- Làm việc trực tiếp với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu; cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức có liên quan, người làm chứng, biết vụ việc xảy ra, để thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc;
- Xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc;
- Trưng cầu giám định dữ liệu, mẫu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về giám định;
- Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
(4) Thủ tục xác minh:
- Người có thẩm quyền tự mình tiến hành xác minh hoặc thành lập tổ xác minh. Trường hợp thành lập tổ xác minh phải có từ 02 người trở lên.
Khi tiến hành xác minh thực tế, làm việc với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu, cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tiến hành xác minh và những người có liên quan trong buổi làm việc. Trường hợp cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản thì trong biên bản phải ghi rõ việc cá nhân, tổ chức không ký;
- Kết thúc việc xác minh, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về kết quả xác minh;
- Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được phải được ghi nhận bằng văn bản và lưu trữ vào hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật.
(5) Kết luận vụ việc:
Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, kết quả xác minh, người có thẩm quyền phải kết luận nội dung vụ việc, thực hiện như sau:
- Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính;
- Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 2: dữ liệu cung cấp chưa xác định được tổ chức, cá nhân bị phản ánh vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành xác định thông tin về tổ chức, cá nhân bị phản ánh vi phạm hành chính thông qua các nguồn được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Thông tư 51/2022/TT-BGTVT, cụ thể:
Tiến hành xác định thông tin về tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua các nguồn:
- Cơ sở dữ liệu về đăng ký, đăng kiểm phương tiện;
- Cơ sở dữ liệu về giấy phép, bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn;
- Hệ thống giám sát và điều phối giao thông;
- Hệ thống nhận dạng tự động tàu thuyền (AIS);
- Hệ thống thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (LRIT)
Ngoài ra, kết quả xác minh và kết luận vụ việc phải được ghi chép trong sổ theo dõi tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu phản ánh; gửi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo mẫu tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 51/2022/TT-BGTVT