Liên quan đến vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau gần 11 năm thành 8,8 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh vừa yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng Eximbank thông báo đến khách hàng là anh P.H.A. (trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) về khoản nợ thẻ tín dụng trên 8,83 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 8,55 triệu đồng.
Phía Eximbank cho rằng, đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Trong khi đó, anh P.H.A. cho biết, bản thân không vay tín dụng số tiền 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh. Năm 2012, anh nhờ một nhân viên ngân hàng (không nhớ danh tính) làm thẻ tín dụng. Thời điểm đó, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A. ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó người này đưa cho anh H.A. một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc.
Đến năm 2016, anh H.A. có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trong quan hệ dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Theo đó, lãi suất cho vay tối đa trung bình 1 tháng sẽ là 1,666%. Mức lãi suất thỏa thuận vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật dân sự cho phép thì phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, mức lãi suất của tổ chức tín dụng không chịu mức lãi suất trần được quy định theo Bộ luật Dân sự 2015 mà sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bởi vậy, mức lãi suất của các tổ chức tín dụng có thể cao hơn mức lãi suất giới hạn trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên phải nằm trong giới hạn theo Luật Các tổ chức tín dụng và do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 14 Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, hành vi vi phạm trong việc áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu trên, các tổ chức tín dụng có thể bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Trường hợp vi phạm quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra và vụ việc được đưa đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ bản chất của giao dịch này, làm rõ số tiền vay, mức lãi suất thỏa thuận và mức lãi suất áp dụng của ngân hàng trên cơ sở trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra đối với các tổ chức tín dụng.
Nếu có nhầm lẫn sai sót thì phải điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi các bên. Trong trường hợp có gian dối, có hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi hoặc lừa đảo, có thể chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.