Mức lương cơ sở 2023 của công chức là 1,8 triệu đồng/tháng (đề xuất)
Mới đây, Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa thực hiện được.
Ngày 09/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng ngày 13/10/2022, Thủ tướng đã trả lời cử tri về việc triển khai cải cách tiền lương.
Cụ thể, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở 2023 của cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì lương cơ sở 2023 của công chức sẽ tăng khoảng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
Hiện nay mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng và đã thực hiện từ ngày 01/7/2019 (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Thời điểm dự kiến tăng lương cơ sở 2023 của công chức
Thời gian dự kiến thực hiện tăng lương cơ sở 2023 của công chức là từ ngày 01/7/2023.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Nếu tăng lương cơ sở 2023, thu nhập cán bộ, công chức sẽ có cải thiện lớn
Hiện hành, theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức được tính bằng công thức sau:
Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương
Chẳng hạn, với công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2.34.
Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng.
Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng (nếu được Quốc hội thông qua) thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu tính theo mức lương cơ sở mới thì dự kiến thu nhập với công chức trong trường hợp này tăng tới 725.400 đồng/tháng.
Một số khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở
Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thì cán bộ, công chức, viên chức được hưởng các loại phụ cấp theo lương cơ sở bao gồm:
- Phụ cấp độc hại.
Theo khoản 7 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.
Theo khoản 1 mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV, phụ cấp độc hại gồm 04 mức là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Căn cứ bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
- Phụ cấp khu vực.
Theo Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng phụ cấp khu vực với 07 loại hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0.
- Phụ cấp lưu động.
Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Thông tư 06/2005/TT-BNV, phụ cấp lưu động gồm 03 hệ số 0,2; 0,4; 0,6 áp dụng cho công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.
Ngoài việc dùng để tính lương công chức, viên chức thì mức lương cơ sở còn dùng để tính các khoản sinh hoạt phí, hoạt động phí, xác định khoản tiền đóng BHXH bắt buộc tối đa,…