Khái niệm hợp đồng kinh tế là vấn đề của lịch sử (được quy định tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006), ở đây nêu rõ hợp đồng kinh tế được ký kết giữa pháp nhân với pháp nhân hoặc pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, nhiều người vẫn còn thói quen cũ khi soạn thảo hợp đồng và để tên của hợp đồng là hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, về mặt pháp luật thì đây chính là hợp đồng thương mại theo quy định của Luật Thương mại 2005.
Sau đây là những điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng thương mại với hợp đồng dân sự.
1. Luật điều chỉnh của hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự
Hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005, còn hợp đồng dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015.
2. Chủ thể tham gia hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự
Đối với hợp đồng thương mại thì chủ thể tham gia là thương nhân hoạt động thương mại; tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.
Chủ thể tham gia của hợp đồng dân sự là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên (từ đủ 15 tuổi trở lên có tài sản riêng thì có thể tự mình ký kết, thực hiện hợp đồng), pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Tính mục đích của hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự
Việc ký kết hợp đồng thương mại nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Việc giao kết hợp đồng dân sự nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người.
4. Hình thức của hợp đồng của hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự
Hình thức của Hợp đồng thương mại là bằng văn bản, các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đối với hợp đồng dân sự có thể là bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể khác.
5. Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự
Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thương mại hoặc tổng mức phạt với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Điều 301. Mức phạt vi phạm – Luật Thương mại 2005
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Đối với Hợp đồng dân sự thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm – Bộ luật Dân sự 2015
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.