Khi kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài thì doanh nghiệp cần tuân thủ những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 121/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng như sau:
Nguyên tắc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
1. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
2. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển về du lịch và phải đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
3. Việc tổ chức, tham gia các trò chơi điện tử có thưởng phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.
4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, tham gia các trò chơi điện tử có thưởng phải tuân thủ đầy đủ quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định trên thì khi kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài thì doanh nghiệp cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
(1) Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển về du lịch và phải đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
(2) Việc tổ chức các trò chơi điện tử có thưởng phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.
(3) Phải tuân thủ đầy đủ quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài phải xây dựng quy chế quản lý nội bộ như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 121/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài phải xây dựng quy chế nội bộ tại địa điểm kinh doanh.
Doanh nghiệp khi xây dựng quy chế nội bộ thì cần đảm bảo quy chế có đủ các nội dung sau:
(1) Quy định về quản lý Điểm kinh doanh, bao gồm: Thời gian mở, đóng cửa; kiểm soát đối tượng ra, vào; biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
(2) Quy định về quản lý nhân viên làm việc tại Điểm kinh doanh, bao gồm: Đối tượng làm việc, quản lý tại Điểm kinh doanh; trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bộ phận, vị trí công tác;
(3) Quy định về quy chế tài chính, quy trình quản lý đồng tiền quy ước;
(4) Quy định về quy trình quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa máy trò chơi điện tử có thưởng, thiết bị trò chơi khác;
(5) Quy định về phương thức giải quyết mối quan hệ giữa người chơi với người chơi, giữa người chơi với doanh nghiệp và giữa người chơi với nhân viên của doanh nghiệp, trong đó quy định rõ phương thức xử lý trong trường hợp phát sinh tranh chấp trên cơ sở của các quy định pháp luật liên quan;
(6) Các quy định khác phù hợp với pháp luật của Việt Nam để phục vụ cho công tác quản lý của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khi thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ có cần phải báo cáo cho Bộ Tài chính hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 121/2021/NĐ-CP quy định về việc thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ như sau:
Quy chế quản lý nội bộ và kiểm soát nội bộ
...
2. Trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, doanh nghiệp phải:
a) Thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ; quy định cụ thể bằng văn bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận kiểm soát nội bộ để đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ đúng Quy chế quản lý nội bộ, quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật tại doanh nghiệp;
b) Gửi Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Thuế địa phương nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh bản Quy chế quản lý nội bộ. Trường hợp có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bản Quy chế quản lý nội bộ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bản Quy chế quản lý nội bộ, doanh nghiệp phải gửi bản cập nhật cho các cơ quan nêu trên.
Theo quy định, khi thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp phải quy định cụ thể bằng văn bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận kiểm soát nội bộ để đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ đúng Quy chế quản lý nội bộ.
Đồng thời gửi Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Thuế địa phương nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh bản Quy chế quản lý nội bộ.
Như vậy, việc thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp không cần thông báo cho Bộ Tài chính biết nhưng cần gửi Quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp cho Bộ.