Căn cứ quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được quy định như sau:
- Mức lương hưu hằng tháng của người lao độngđủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
+ Lao động nam: 20 năm;
+ Lao động nữ: 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
- Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính như quy định nêu trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
- Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
- Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 và Khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Căn cứ quy định nêu trên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 và Khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ đối tượng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Mà theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở sẽ lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023 (hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng).
Do đó, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nghỉ hưu từ ngày 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng, trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Căn cứ Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời điểm hưởng lương hưu được xác định như sau:
- Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e và i Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.
- Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Đối với người lao động quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản đề nghị của người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.