Trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra được thực hiện khi nào? Ai ban hành quyết định trưng cầu giám định?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Thanh tra 2022, hoạt động trưng cầu giám định được đề cập như sau:
Trưng cầu giám định
1. Khi cần đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn - kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định việc trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.
Theo đó, trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra được thực hiện khi Trưởng đoàn thanh tra cần đánh giá những nội dung chuyên môn - kỹ thuật liên quan đến hoạt động thanh tra. Những nội dung này được dùng để làm căn cứ cho kết luận thanh tra.
Việc ra quyết định trưng cầu giám định sẽ do người ra quyết định thanh tra thực hiện, sau khi có đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra. Quyết định trưng cầu giám định cần được lập thành văn bản, trong đó, làm rõ những nội dung sau:
- Yêu cầu giám định;
- Nội dung giám định;
- Thời gian thực hiện giám định;
- Cơ quan, tổ chức giám định.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định ra sao?
Tại khoản 2 Điều 87 Luật Thanh tra 2022, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định được quy định như sau:
Trưng cầu giám định
...
2. Cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định phải thực hiện việc giám định, thông báo kết quả giám định trong thời hạn theo đề nghị của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.
Như vậy, cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định có trách nhiệm:
- Giám định, thông báo kết quả giám định trong thời hạn theo đề nghị của cơ quan thanh tra;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.
Kinh phí trưng cầu giám định do ai chi trả?
Kinh phí trưng cầu giám định được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trưng cầu giám định
...
3. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, để phục vụ hoạt động đánh giá nội dung, căn cứ cho việc kết luận thanh tra, trưng cầu giám định được thực hiện với kinh phí từ cơ quan thanh tra.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 112 Luật Thanh tra 2022 về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra như sau:
Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên
1. Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Như vậy, kinh phí trưng cầu giám định sẽ do cơ quan thanh tra chi trả từ ngân sách nhà nước.
Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu đối tượng thanh tra có hành vi sai phạm thì kinh phí giám định sẽ do đối tượng thanh tra thực hiện chi trả.
Mẫu văn bản yêu cầu giám định hiện hành như thế nào?
Tại khoản 3 Điều 23 Thông tư 06/2021/TT-TTCP có quy định về các mẫu văn bản thực hiện quyền trong thanh tra như sau:
Mẫu văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra
...
3. Văn bản yêu cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì văn bản yêu cầu giám định được thực hiện theo mẫu tại Mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-TTCP.
Trong đó, các nội dung trong văn bản yêu cầu giám định bao gồm:
- Tên cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có);
- Tên cơ quan ban hành công văn;
- Chữ viết tắt tên cơ quan ban hành công văn;
- Cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định;
- Chức danh của Người ra quyết định thanh tra;
- Tên cuộc thanh tra;
- Bên phải chi trả kinh phí giám định theo quy định của pháp luật;
- Chữ viết tắt đơn vị soạn thảo và số lượng bản lưu (nếu cần);
- Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).