1. Thế nào là khoáng sản?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
2. Đất có phải khoáng sản không?
Căn cứ theo quy định thế nào là khoáng sản tại mục 1 thì Luật Khoáng sản 2010 không xác định cụ thể đất là khoáng sản, mà chỉ quy định là các khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất.
Tuy nhiên, Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 đã quy định các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có bao gồm:
- Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
- Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;...
Như vậy, theo quy định nêu trên, không phải tất cả các loại đất đều được xem là khoáng sản.
Đất dùng làm vật liệu san lấp có thể được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với các khoáng sản cát thì cần lấy mẫu phân tích để xác định mục đích sử dụng như làm vật liệu xây dựng hoặc cát sản xuất thủy tinh.
3. Khai thác khoáng sản là đất không có giấy phép bị xử lý thế nào?
Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:
- Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10 m3;
+ Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên.
- Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác trừ trường hợp quy định nêu trên và các trường hợp khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại, cụ thể như sau:
+ Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
+ Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh, các trường hợp khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại;
+ Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trừ khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại.
Lưu ý: Mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền gấp 02 lần mức đối với cá nhân (khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP).
- Ngoài ra, theo điểm a khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;
+ Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định nêu trên. Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như khoản 4 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
+ Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
(Căn cứ khoản 5 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm b khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP).