1. Tiền đóng BHXH bắt buộc
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mỗi tháng, người lao động sẽ phải trích một phần tiền lương để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụ thể, đóng 8% dựa trên tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Trong đó, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Mức lương; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Việc đóng 8% vào quỹ hưu trí này chỉ áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014).
2. Tiền đóng BHYT
Khoản tiền trích đóng từ lương của người lao động tiếp theo là tiền đóng BHYT.
Cụ thể, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì:
Hàng tháng trích 1,5% đóng vào quỹ bảo hiểm y tế.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cũng dùng làm căn cứ để tính đóng BHYT cho người lao động.
3. Tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp
Tiếp theo, khoản tiền trích đóng từ lương sẽ là tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Hàng tháng, người lao động trích 1% đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tiền lương để tính đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng là tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc hàng tháng.
Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
Tổng các khoản đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ bằng 10,5% tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc hàng tháng.
Ví dụ: Tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng thì mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN nêu trên là 525.000 đồng/tháng.
4. Tiền đóng đoàn phí công đoàn
Theo Điều 26 Luật Công đoàn 2012, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn. Như vậy, chỉ có đoàn viên công đoàn thì mới phải đoàn phí công đoàn.
Mỗi tháng, người lao động là đoàn viên công đoàn đóng đoàn phí công đoàn với mức bằng 1% của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, mức đóng đoàn phí cũng chỉ tối đa bằng 10% mức lương cơ sở.
Hiện hành, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, nên mức đóng đoàn phí công đoàn tối đa là 149.000 đồng/tháng.
5. Tiền đóng thuế thu nhập cá nhân
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập các nhân (TNCN) của người lao động.
Dù vậy, không phải người lao động cũng phải đóng thuế TNCN mà chỉ những trường hợp thu nhập vượt mức quy định mới phải đóng loại thuế này.
Cụ thể, nếu người lao động không có người phụ thuộc thì có mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng. Vì vậy, người lao động có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế TNCN.
Trường hợp có người phụ thuộc thì còn được giảm trừ gia cảnh thêm 4,4 triệu đồng/mỗi người phụ thuộc.
Ngoài các khoản cố định nêu trên thì còn một số khoản tiền mà người lao động có thể phải trích lương để đóng, đơn cử như:
6. Tiền khấu trừ vào lương do làm hỏng dụng cụ, thiết bị
Tại Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
“Điều 102. Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.”
7. Tiền phí đóng góp vào Quỹ phòng chống thiên tai
Căn cứ Điều 5 Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về đối tượng và mức đóng góp vào quỹ phòng chống thiên tai như sau:
- Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập:
Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:
+ Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
+ Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
+ Người lao động khác, trừ các đối tượng nêu trên, đóng 15.000 đồng/người/năm.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.