Trong thời gian qua, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào khiến cho các tháng đầu năm 2022, CPI đã vượt qua mốc 2,25%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là dưới 4%. Trước áp lực của lạm phát đang có xu hướng tăng cao, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành cũng đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế VAT…
Trái với kỳ vọng của nhiều tổ chức quốc tế về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức thấp nhất trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022, việc giảm các khoản thuế nói chung và giảm thuế môi trường với xăng, dầu nói riêng sẽ không đáng lo ngại nếu như chúng ta có giải pháp đồng bộ và phù hợp để bù đắp nguồn giảm thu, chẳng hạn như mở rộng cơ sở thuế bằng cách khai thác các nguồn thu tiềm năng, tăng cường chống thất thu thuế…
Xăng, dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các lĩnh vực sản xuất khác có sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu đối với đại bộ phận dân chúng khi phương tiện di chuyển là xe máy, ô tô hầu hết sử dụng loại nhiên liệu này.
Khi giá xăng dầu tăng quá cao do bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới thì tạo ra áp lực lạm phát. Hiển nhiên, giảm thuế BVMT đối với xăng dầu có tác động trực tiếp làm giảm giá xăng dầu. Điều này chắc chắn sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Việc lạm phát được kiềm chế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để xác định đóng góp cụ thể của yếu tố này có thể góp phần kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu, cần có nghiên cứu cụ thể với cơ sở dữ liệu đầy đủ, có tính đến tác động của thuế trong cân bằng tổng thể của nền kinh tế.
Với giải pháp giảm thuế BVMT đã thực hiện, thì thuế BVMT đã giảm kịch khung. Như vậy, nếu thấy cần thiết tiếp tục giảm thuế để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thì đương nhiên chỉ còn dư địa về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và GTGT. Trong đó, dư địa nằm chủ yếu ở thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT, bởi lẽ, tuy thuế suất thuế nhập khẩu MFN còn khá cao có thể giảm sâu, nhưng tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu có xuất xứ từ nước áp dụng thuế suất MFN rất nhỏ, chỉ khoảng 10% lượng xăng dầu nhập khẩu. Xăng dầu thành phẩm vẫn nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc (vốn đã áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0%).
Nếu như cân đối tổng thể nhiều yếu tố (tác động kiềm chế lạm phát, tác động đến thu ngân sách nhà nước, vấn đề chênh lệch giá xăng dẫn đến áp lực chống buôn lậu…) thì thấy rằng, tiếp tục giảm thuế TTĐB và thuế GTGT đương nhiên là giải pháp rất đáng hoan nghênh. Điều này thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu áp dụng chính sách tài khóa có lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Muốn bình ổn được giá xăng dầu trong nước thì việc quan trọng đầu tiên là phải làm tốt công tác dự báo. Dự báo càng sát với diễn biến của thị trường thế giới thì càng chủ động sử dụng các công cụ phù hợp, ở mức độ phù hợp và trong thời kỳ hoặc thời điểm phù hợp.
Tất nhiên, đây là một công việc vô cùng khó khăn do những diễn biến phức tạp của nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Trên cơ sở dự báo diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, chúng ta có thể sử dụng biện pháp về thuế hoặc sử dụng quỹ bình ổn (tăng, giảm, dừng trích lập quỹ bình ổn hoặc xác định mức độ sử dụng quỹ bình ổn phù hợp trong trường hợp giá tăng). Khi áp dụng biện pháp giảm thuế thì cần lưu ý áp dụng đồng thời các giải pháp khai thác tăng thu nguồn khác và giải pháp về chi ngân sách một cách thích hợp.