Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là (Hành vi) làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn; là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật.
Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Về cấu thành tội phạm:
Dấu hiệu pháp lý của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
+ Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
+ Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Trong thực tế làm trái công vụ có thể là không làm trong trường hợp phải làm và có điều kiện để làm hoặc làm nhưng không đầy đủ hoặc làm ngược lại quy định hoặc yêu cầu của công vụ. Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành hoặc địa phương. Hành vi làm trái của người có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Như vậy, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Đây là loại tội phạm mà hậu quả nguy hiểm của nó rất đa dạng. Chúng có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người... Khi có hậu quả xảy ra thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.
Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này hoàn toàn không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Làm trái công vụ là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này. Nếu người phạm tội không làm trái công vụ mà làm đúng nhưng vẫn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhầ nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không cấu thành tội phạm này mà tùy trường hợp cấu thành tội phạm khác.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã nâng hoặc bổ sung mức định lượng giá trị tài sản trong tình tiết định tội và định khung tăng nặng của tội nhận hối lộ. Cụ thể:
- Bổ sung tình tiết định tội “gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”.
- Bổ sung tình tiết tăng nặng “gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” cho khung phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
- Bổ sung tình tiết tăng nặng “gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lê” cho khung phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
+ Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.
+ Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài hai dấu hiệu pháp lý thông thường của chủ thể của tội phạm là độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của điều 352 BLHS. Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác. Dấu hiệu về chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu người phạm tội, trong trường hợp đồng phạm thì những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức không cần dấu hiệu trên đây.
Nếu so sánh với tội tham ô tài sản, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng có thể là người có liên quan hoặc không liên quan đến việc quản lý tài sản; phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội này rộng hơn đối với tội tham ô. Nếu so sánh với tội nhận hối lộ, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như người phạm tội nhận hối lộ, chỉ khác nhau ở chỗ, người phạm tội nhận hối lộ lại không có hành vi gây thiệt hại khác cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ. Tuy nhiên, về lý luận thì nhận hối lộ cũng là gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hành vi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác, có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn; do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.
Về hình phạt:
Người phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 356 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tình tiết tăng nặng:
(i) Đối với khung phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi tình tiết “phạm tội nhiều lần” thành “phạm tội 02 lần trở lên”, đồng thời, lượng hóa tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng thành mức “thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”. Cụ thể phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
(ii) Đối với khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm, Bộ luật hình sự năm 2015 đã lượng hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” thành mức “gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên”.
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng)