1. Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng
Các trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng
Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là loại thuế khai theo tháng (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP), trừ một số trường hợp dưới đây là được kê khai theo quý:
- Thuế GTGT đối với tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.
- Người nộp thuế thuộc diện khai thuế GTGT nếu có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
- Người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
- Người nộp thuế đang khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và có văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế sang khai theo quý đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Hồ sơ khai thuế
Doanh nghiệp nộp tờ khai thuế GTGT theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
- Mẫu 01/GTGT: trường hợp tính thuế theo phương pháp khấu trừ;
- Mẫu 02/GTGT: trường hợp tính thuế theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế;
- Mẫu 03/GTGT: trường hợp tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT (áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý);
- Mẫu 04/GTGT: trường hợp tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu;
- Mẫu 05/GTGT: trường hợp tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng.
Thời hạn nộp hồ sơ
Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT (điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019).
Như vậy, hạn chót để doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho tháng 7 là ngày 20/8/2022.
2. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng
Trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong tháng 7 nếu doanh nghiệp có tiền lương, tiền công (và các khoản thu nhập chịu thuế TNCN khác) cho người lao động thì sẽ phải kê khai thuế TNCN thay cho người lao động theo tháng.
Trừ trường hợp doanh nghiệp trả thu nhập thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
Hồ sơ khai thuế
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 05/KK-TNCN (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC)
Thời hạn nộp hồ sơ
Doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế TNCN chậm nhất là vào ngày 20/8 (lưu ý: vì ngày này trúng vào Thứ bảy nên thông thường các cơ quan thuế chỉ làm việc vào buổi sáng).
3. Thông báo tình hình biến động lao động (nếu có) hàng tháng
Căn cứ Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp phải thông báo tình hình biến động lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính như sau:
- Đối với doanh nghiệp mới thành lập: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp theo Mẫu số 28 (ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
- Doanh nghiệp phải thông báo theo Mẫu số 29 (ban hành kèm Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) trước ngày 03 hàng tháng về tình hình biến động lao động làm việc tại doanh nghiệp nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Như vậy:
- Trong tháng 7, doanh nghiệp tăng hoặc giảm số lượng lao động thì trước ngày 03/8/2022, công ty phải thông báo tình hình biến động lao động theo Mẫu số 29 cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính.
- Ngược lại, nếu trong tháng 7 này, số lượng lao động của doanh nghiệp không thay đổi thì doanh nghiệp không cần tiến hành thông báo.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
4. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng 8/2022
Căn cứ Điều 7, Điều 17 và Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, doanh nghiệp trích nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như sau:
- Hằng tháng, doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, cụ thể là ngày 31/8, doanh nghiệp phải trích tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.
- Doanh nghiệp trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
5. Trích nộp kinh phí công đoàn tháng 8/2022
- Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, tức là cũng sẽ đóng chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng (ngày 31/8)
- Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.
(Căn cứ pháp lý: Điều 5, 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).