1. Phân biệt tạm ngừng, đình chỉ với hủy bỏ hợp đồng
Tạm ngừng, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng đều là các chế tài trong thương mại mà bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng phải gánh chịu.
Tuy nhiên, ba chế tài này được áp dụng trong các trường hợp khác nhau và hậu quả pháp lý về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên khi áp dụng cũng khác nhau.
Theo đó, các bên trong hợp đồng cần nắm rõ được sự khác nhau này để có thể áp dụng phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình khi có một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ.
2. Phân biệt hợp đồng lao động với hợp đồng dịch vụ
Không phải tất cả những trường hợp một người nào đó thực hiện công việc cho doanh nghiệp đều đương nhiên là người lao động và phát sinh quan hệ lao động mà có thể là quan hệ cung ứng dịch vụ.
Việc lựa chọn giao kết hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định:
- Quyền và nghĩa vụ của các bên (như việc đóng bảo hiểm, chế độ nghĩ phép, các phúc lợi khác,...);
- Các nội dung phải có trong hợp đồng;
- Quy định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp (là Bộ luật Lao động 2019 hay Bộ luật Dân sự 2015).
3. Phân biệt mua lại cổ phần với chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp
Mua lại cổ phần hay chuyển nhượng cổ phần về bản chất đều là hình thức giao dịch trong công ty cổ phần làm thay đổi chủ sở hữu đối với số cổ phần được mua lại hay chuyển nhượng.
Tuy nhiên; chủ thể thực hiện, điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý đối với hai hình thức mua lại và chuyển nhượng cổ phần là hoàn toàn khác nhau.
4. Phân biệt Chi nhánh với Công ty con
Một trong các hình thức mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh phổ biến đối với doanh nghiệp là thành lập chi nhánh hoặc thành lập công ty con.
Khác biệt lớn nhất của hai hình thức này chính là: công ty con có tư cách pháp nhân trong khi chi nhánh thì không có tư cách pháp nhân. Ngoài ra, chi nhánh và công ty con còn có nhiều sự khác nhau đáng kể trong cách thức hoạt động, chế độ chịu trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế,...
5. Phân biệt Công chứng, Chứng thực với Lập vi bằng
Các thuật ngữ pháp lý “công chứng”, “chứng thực” hay “lập vi bằng” đã không còn xa lạ với chúng ta khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.
Công chứng, chứng thực và lập vi bằng đều nhằm mục đích xác thực một số vấn đề, tuy nhiên giữa chúng có những điểm khác nhau có thể kể đến như trường hợp áp dụng, giá trị pháp lý, cơ quan thực hiện và các chi phí có liên quan.
6. Phân biệt Nhượng quyền thương mại với Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Li-xăng)
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại trong đó bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dich vụ theo điều kiện và bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Trong khi đó, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (li-xăng) là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
7. Phân biệt Phụ cấp độc hại, nguy hiểm với Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật
Doanh nghiệp phải thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với những người lao động đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
- Làm các nghề, công việc thuộc Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
- Làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Trong khi đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm là chế độ phụ cấp áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các công ty nhà nước, đối tượng được nhận phụ cấp do công ty tự quyết.