Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
1. Các trường hợp hóa đơn không hợp pháp
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì sử dụng hóa đơn không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn trong các trường hợp sau:
(1) Hóa đơn giả;
(2) Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
(3) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
(4) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
(5) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
(6) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(7) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trước ngày xác định bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế; hoặc
(8) Hóa đơn đã bị cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác kết luận là không hợp pháp.
2. Mức phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp
Tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng và buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng, ngoại trừ các trường hợp sau:
Trường hợp 1:
Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định sẽ bị xử phạt với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn (điểm đ khoản 1 Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) như sau:
Mức xử phạt: 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước;
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có);
Trường hợp 2:
Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế (điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) như sau:
Mức xử phạt (Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP):
+ Có từ 01 tình tiết giảm nhẹ trở lên: 1 lần số tiền thuế trốn;
+ Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: 1,5 lần số tiền thuế trốn;
+ Có 01 tình tiết tăng nặng: 2 lần số tiền thuế trốn;
+ Có 02 tình tiết tăng nặng: 2,5 lần số tiền thuế trốn;
+ Có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên: 3 lần số tiền thuế trốn.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số thuế trốn vào ngân sách nhà nước;
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Lưu ý:
- Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền với các hành vi tại trường hợp 1 và trường hợp 2 áp dụng chung với cả cá nhân và tổ chức (điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.