Hoả hoạn xảy ra cũng là lúc những chiến sĩ cảnh sát PCCC và CHCN phải lập tức có mặt tại hiện trường, dũng cảm xông pha chống lại “giặc lửa” để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Đối mặt với hiểm nguy, những tình huống sinh tử luôn cận kề nhưng những người lính PCCC - CHCN vẫn sẵn sàng đương đầu. Có lẽ với họ, nỗi sợ hãi lớn nhất không phải là sống chết của bản thân mà chính là khi bất lực không cứu được những người bị mắc kẹt trong hỏa hoạn.
Những ngày gần đây, người dân đang dành rất nhiều sự quan tâm và tiếc thương đối với 03 cán bộ thuộc đội PCCC Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã anh dũng hy sinh trong quá trình tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường vụ cháy một quán karaoke. Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vụ hỏa hoạn đã xảy ra trong những năm gần đây, con số người thương vong, những chiến sỹ đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ PCCC – CHCN khi nhắc đến khiến ai cũng xót xa.
Hiện nay chế độ chính sách dành cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy được nhiều người dân quan tâm và tìm hiểu, các chế độ chính sách này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017, người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên Đội dân phòng, Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định khi tham gia công tác cứu hộ, phòng cháy chữa cháy tại Luật phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi bổ sung 2013. Tại Nghị định này theo Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34 quy định về những chính sách đối với cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Như vậy, các chiến sĩ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, chiến sĩ nghĩa vụ Công an thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng những chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân thì còn được hưởng các chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi tham gia cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, đối tượng này được hưởng các chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo Điều 19 Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 cũng quy định về chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nghị định cũng chia rõ trường hợp người được hưởng lương từ ngân sách trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ hoặc người không được hưởng mức lương cơ sở từ ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ PCCC - CHCN hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ
Điều 20 Nghị định 30/2017/NĐ-CP nêu cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn và chết. Theo đó trong trường hợp người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc chết mà có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và pháp luật bảo hiểm y tế. Trường hợp người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị chết, kể cả trong thời gian điều trị lần đầu thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Điều 36 Nghị định 83/2017/NĐ ngày 18/07/2017 nêu rõ người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 34 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ sau:
· Nếu thời gian chữa cháy dưới 2 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;
· Nếu thời gian chữa cháy từ 2 giờ đến dưới 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;
· Nếu thời gian chữa cháy từ 4 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên.
· Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;
· Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh;
· Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ
Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.
Ngoài ra, theo quy định về điều kiện công nhận liệt sỹ tại Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ban hành ngày 09/12/2020 thì trong đa số trường hợp, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ sẽ được công nhận liệt sỹ, được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Căn cứ theo Điều 15 Pháp lệnh, liệt sĩ sẽ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng và ghi danh tại công trình ghi công liệt sĩ; Được truy tặng Bằng “ “Tổ quốc ghi công” theo quy định của Chính phủ.
Về chế độ cho thân nhân, gia đình liệt sĩ được quy định cụ thể tại Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ban hành ngày 09/12/2020. Tại đây quy định cụ thể các chế độ như được trợ cấp tuất một lần, trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp mai táng, bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ cho nhân thân, gia đình liệt sĩ.
Có thể đánh giá rằng các chính sách mà Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành đều thiết thực và có ý nghĩa bù đắp, hỗ trợ, động viên phần nào những mất mát mà các gia đình liệt sĩ phải đối mặt khi mất đi người thân. Đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn luôn có những câu chuyện đẹp, những hành động dũng cảm của những chiến sĩ không quản gian khó, hiểm nguy, thậm chí cả sự hy sinh vì sự bình yên cuộc sống người dân. Sự hy sinh thầm lặng của những người lính PCCC - CNCH luôn khiến mọi người trân trọng, ghi nhớ và biết ơn sâu sắc.