Nhiều người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp, sau đó tìm được việc làm mới nhưng không thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm thu lợi bất chính. Những trường hợp như vậy sẽ bị xử phạt như thế nào?
1. Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động (NLĐ) được nhận từ quỹ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động và đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế khi người lao động thất nghiệp.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 49 Luật Việc làm 2013:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; hoặc
- Chết.
2. Trường hợp nào được xem là có việc làm và dừng nhận trợ cấp thất nghiệp?
Theo khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, NLĐ được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà NLĐ được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà NLĐ được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp NLĐ là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà NLĐ được xác định có việc làm là ngày NLĐ thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà NLĐ được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của NLĐ.
Do đó, nếu NLĐ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được coi là đã có việc làm và sẽ chấm dứt hưởng trưởng trợ cấp thất nghiệp.
3. Có việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp thì bị xử phạt như thế nào?
Theo điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01 triệu đến 02 triệu đồng đối với trường hợp:
- Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Hoặc Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm.
Mức phạt đối với NSDLĐ là tổ chức gấp 02 lần quy định trên.