Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, một tháng sẽ có ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21, mỗi lần cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày hàng tháng như trước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Liên quan nội dung này, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành, các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công thương.
Giá bán lẻ xăng dầu đã có biến động liên tục trong thời gian qua, cụ thể, Liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều ngày 11/03/2022 như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít; Dầu diesel tăng 3.958 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít; Dầu mazut tăng 2.519 đồng/kg.
Cần phải nói thêm, ước tính chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 20% doanh thu vận tải, trong khi cơ cấu giá cơ sở, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường bao gồm 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5 RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...), mà thuế nhập khẩu lại không thể giảm bởi theo các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%.
Cần tính toán giải pháp thuế
Đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng cao, phát biểu tại tọa đàm Kiểm soát lạm phát - thúc đẩy và phục hồi kinh tế do tạp chí Hải Quan tổ chức chiều 9-3, ông Nguyễn Bá Khang, phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay của Việt Nam chịu áp lực khá lớn.
Lý do vì giá xăng dầu của Việt Nam được điều hành theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Chỉ hai tuần trở lại đây, giá thế giới tăng quá mạnh. Việc xăng dầu tăng giá khiến giá các mặt hàng như thép, phân bón... cũng tăng đột biến.
Làm thế nào để giá xăng dầu trong nước không tăng đột biến? Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng bên cạnh giải pháp xem xét mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan quản lý cần tính đến cả các chính sách thuế khác nữa. "Xăng dầu là máu của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành, từ vận tải, khai thác thủy sản, than... So với giá xăng dầu của Việt Nam, giá xăng dầu ở Mỹ chỉ 26.000 đồng/lít.
Nhưng cơ quan quản lý cần phải đánh giá xem giá xăng dầu của Việt Nam phù hợp như thế nào với điều kiện cụ thể của nền kinh tế để vừa có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất - kinh doanh", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Xuân Định (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng giá dầu thế giới trong hai tuần qua tăng đột biến và bất thường, điều này cho thấy dự báo ngắn hạn về giá dầu vô cùng khó khăn. Phần lớn các cơ quan, tổ chức kinh tế trên thế giới chỉ dự báo giá dầu trung và dài hạn.
Do đó, có lẽ công tác điều hành của Chính phủ nên đặt ra các kịch bản giá xăng dầu thế giới lên 130-150 USD/thùng, thậm chí cao hơn thì Chính phủ sẽ có những phản ứng chính sách hiệu quả hơn.
Nhiều nước giảm thuế để kìm giá xăng dầu
Theo Bộ Tài chính, về kinh nghiệm quốc tế, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao gần đây, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, một số nước đã giảm thuế xăng dầu.
Đơn cử, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu cho xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ 12-11-2021 đến hết tháng 4 năm nay.
Thái Lan giảm một nửa tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 5,99 baht/lít xuống còn 3 baht/lít trong 3 tháng đến ngày 20-5. Ba Lan và Ấn Độ cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu...
Do đó, phương án tối ưu là cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó giúp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường./.