Trong thực tế đời sống hiện nay, chắc hẳn mọi cá nhân, tổ chức đều không còn xa lạ với các vụ án hình sự, dân sự được đưa ra xét xử. Việc thi hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là nghĩa vụ đương nhiên được pháp luật đảm bảo. Tuy nhiên, không phải trong bất cứ trường hợp nào, bản án hay quyết định của Tòa án cũng hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực tế chứng minh có nhiều trường hợp sau một vụ án đã được xét xử, các đương sự vẫn có thể gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án khi phát hiện ra hoặc có căn cứ chứng minh được việc xét xử chưa đúng, chưa phù hợp. Các đương sự có thể thực hiện thông qua một loại thủ tục đó là thủ tục đề nghị giám đốc thẩm, đây là một phương thức giúp tạo ra một cơ hội mới nhằm lật lại vụ án, bảo đảm tính công bằng cho các bên tham gia. Vậy, giám đốc thẩm là gì? Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự như thế nào? mời bạn đọc tham khảo nội dung dưới đây:
1. Khái niệm thủ tục giám đốc thẩm
Hiểu đơn giản, giám đốc thẩm là một thủ tục tiến hành việc lật lại một bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án để xem xét, xác minh lại toàn bộ quá trình giải quyết, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền và nghĩa vụ liên quan. Việc tiến hành xét lại này có thể vì những lí do trong toàn bộ quá trình xét xử, giải quyết vụ án mà có sự vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng kết luận thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án đã đưa ra không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Trong xuyên suốt toàn bộ vụ án từ khi thụ lý, có sự nhầm lẫn, sai lầm nghiêm trọng khi giải quyết và áp dụng quy định pháp luật; Việc giải quyết vụ án đã có dấu hiệu vi phạm một cách nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong thực hiện thủ tục điều tra, truy tố, xét xử từ đó dẫn đến mắc lỗi sai lầm nghiêm trọng.
Các căn cứ kháng nghị đối với thủ tục giám đốc thẩm trong Tố tụng hình sự hay Tố tụng dân sự đều giống nhau.
Thứ hai, đặt ra một câu hỏi quan trọng trong vấn đề này là quy định của pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm trên hai lĩnh vực, thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự và thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
2. Thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thủ tục giám đốc thẩm cũng được quy định các đối tượng, chủ thể nội dung, phạm vi như Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cụ thể:
Các căn cứ làm cơ sở để kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm trong Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Điều 371. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Những đối tượng có thẩm quyền thực hiện việc kháng nghị bao gồm:
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu trong trường hợp họ xét thấy bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc các Tòa án khác đã có hiệu lực pháp luật có sự vi phạm pháp luật hoặc ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, ngoại trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Đối với những bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vu vực, Tòa án quân sự cấp quân khu, thẩm quyền kháng nghị thuộc về Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Xét thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ, thẩm quyền thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp cao.
Khi có căn cứ cho rằng có yếu tố vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bên có quyền liên quan có thể thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị. Hình thức thông báo có thể là thông báo trực tiếp cho người có thẩm quyền hoặc thông báo bằng văn bản. Pháp luật cũng quy định nếu bên thông báo là cá nhân thì phải kí tên hoặc điểm chỉ vào văn bản thông báo, nếu là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải có chữ kí và con dấu của Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó. Nội dung chính văn bản thông báo phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tại Điều 374 Bộ luật này.
Tòa án, Viện kiểm sát có trách nhiệm vào sổ nhận thông báo khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc phát hiện vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu người thông báo nộp văn bản thông báo kèm theo cả những thông tin, tài liệu, chứng cứ hợp pháp có liên quan, Tòa án, Viện kiểm sát cũng phải lập biên bản thu giữ theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân cấp Tỉnh tiến hành kiểm tra bản án, quyết định này để xác minh, kiểm tra các yếu tố vi phạm pháp luật và đề xuất kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị. Khi phát hiện thấy có yếu tố vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì Viện kiểm sát, Tòa án phải tiến hành thông báo ngay cho người có thẩm quyền kháng nghị, nội dung thông báo này phải được lập thành văn bản đồng thời cũng thông báo cho người đã kiến nghị biết.
Nếu Tòa án đang giữ hồ sơ nhận được yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án của phía Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị thông qua văn bản, thì trong thời hạn 07 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đó phải có nghĩa vụ chuyển hồ sơ vụ án cho bên yêu cầu.
Người có thẩm quyền kháng nghị tiến hành ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi xét thấy các cứ chứng minh việc vi phạm pháp luật là đúng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Về thời hạn kháng nghị được chia theo hai trường hợp theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho người bị kết án. Nếu việc tiến hành kháng nghị mà theo hướng có lợi cho người bị kết án thì có thể được tiến hành trong bất kì thời gian nào nhằm bảo về quyền lợi cho người bị kết án một cách kịp thời nhất, ngay cả trường hợp người bị kết án đã mất thì vẫn có thể tiến hành kháng nghị để minh oan cho người đó. Nếu không có lợi cho người bị kết án thì việc kháng nghị được tiến hành trong vòng 01 năm tính từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được quy định tại Điều 379 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Điều 379. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
4. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị.
Sau quá trình kiểm tra xác minh, phiên tòa giám đốc thẩm sẽ được tiến hành bởi Tòa án nhân dân có thẩm quyền, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày có quyết định kháng nghị kèm theo toàn hồ sơ và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.