Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Trải qua 92 năm ra đời và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 là ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11 là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ngày hội đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Cùng với việc xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu: mê tín, dị đoan, xóa bỏ những tệ nạn trong xã hội, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Những hoạt động cụ thể của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân được cải thiện, lối sống được lành mạnh hoá. Tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống. Từ đó góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo.
Tại Quảng Ninh những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc trong tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động, từ đó nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Ninh, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp, thống nhất hành động triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 5 nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội... thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, địa phương. Đặc biệt, năm 2023 với chủ đề công tác “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phát động, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, gắn với nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, gắn với đặc điểm, tình hình tỉnh Quảng Ninh, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã triển khai cụ thể hóa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng các mô hình, công trình, phần việc cụ thể tại các cấp cơ sở. Cụ thể, năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã triển khai 251 mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2023, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đăng ký đảm nhận triển khai 60 mô hình, phần việc tiêu biểu trên mọi lĩnh vực đời sống văn hóa. Trong đó, 13 mô hình, phần việc do Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đảm nhận, 47 mô hình do Mặt trận Tổ quốc cấp xã thực hiện (về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bảo vệ môi trường, tự quản, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ an ninh biên giới, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, áp dụng công nghệ - nông thôn mới thông minh...). Tiêu biểu như các mô hình Giữ đường biên giới bình yên của phường Ka Long (Móng Cái), mô hình Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện gia đình nông thôn mới kiểu mẫu của xã Thống Nhất (TP Hạ Long), mô hình Tái chế rác thải nhựa thành sản phẩm hàng hoá của phường Quang Trung (Uông Bí), mô hình Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của xã Minh Cầm (Ba Chẽ)... Tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, tuyên dương các mô hình trên nhân dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và tổng kết 20 năm thực hiện Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (2003-2023).
Ngày 10/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hạ Long đã tổ chức phát động ủng hộ kinh phí hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên; ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2023 và hỗ trợ, nhận đỡ đầu 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long có 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 4 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, 18 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, 34 trẻ em mồ côi một vế, 8 trẻ em khuyết tật…
Thực hiện chủ đề công tác năm về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và tháng cao điểm “Vì người nghèo năm 2023”, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hạ Long đã xây dựng phương án kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ, nhận đỡ đầu trẻ em khó khăn trên địa bàn thành phố. Đây là hành động thiết thực nhằm kịp thời động viên, tiếp thêm động lực giúp các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hạ Long, ngay tại chương trình phát động vào chiều ngày 10/11, 69 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã trực tiếp nhận đỡ đầu 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố với kinh phí 1 triệu đồng/tháng/trẻ em cho đến năm đủ 18 tuổi. Nhân dịp này, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài thành phố cũng đã ủng hộ số tiền trên 1 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, ủng hỗ quỹ "Vì người nghèo" năm 2023 và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống của khu dân cư vì đây không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mà còn là diễn đàn, đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn kết cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương xác định tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng việc tổ chức Ngày hội; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia với tinh thần đoàn kết, vui tươi, để Ngày hội thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, mang ý nghĩa thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn kết các tầng lớp nhân dân. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung. Trách nhiệm của mỗi người dân cần phải tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết để từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” theo lời dạy của Bác.
Kính chúc mọi nhà, mọi người đón ngày hội đại đoàn kết dân tộc vui tươi, an toàn./.