Trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp lan truyền những clip bị cho là "bắt vợ". Những câu chuyện trên không phải hiếm mỗi đợt xuân về, trên không gian mạng lan truyền những clip ghi lại hình ảnh những cô gái, thậm chí là những bé gái người dân tộc bị “bắt vợ”.
Bắt vợ là hủ tục vi phạm pháp luật, hôn nhân là dựa trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên, hành vi ép buộc, cưỡng ép kết hôn là hoàn toàn sai, thuộc các trường hợp cấm kết hôn, căn cứ theo Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lý như sau: Căn cứ Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.”
Đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật, tội Tổ chức tảo hôn, thậm chí có thể bị xử lý về tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm..., tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Việc cưỡng ép kết kết hôn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện.
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Trường hợp có căn cứ cho thấy đây là hành vi lợi dụng phong tục tập quán lạc hậu để bắt người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự với người vi phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân.
Để ngăn chặn sự việc này xảy ra, cá nhân biết sự việc cần:
- Thông báo và thuyết phục những người xung quanh ngăn chặn sự việc này.
- Thông báo cho UBND xã, công an xã, công an huyện...để họ trực tiếp xử lý và ngăn chặn hành vi này.