1. Hệ thống tổ chức Công an nhân dân Việt Nam
Theo Luật Công an nhân dân 2018, công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam bao gồm:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong đó, hệ thống tổ chức Công an nhân dân Việt Nam bao gồm:
- Bộ Công an;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
- Công an xã, phường, thị trấn.
Việc xây dựng công an xã, phường, thị trấn chính quy được hướng dẫn tại Nghị định 42/2021/NĐ-CP.
Theo đó, công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.
2. Thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân
Thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân được quy định tại Điều 18 Luật Công an nhân dân 2018.
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân.
3. Ai là chỉ huy trong Công an nhân dân Việt Nam?
Theo Luật Công an nhân dân 2018, những người là chỉ huy trong Công an nhân dân Việt Nam bao gồm:
- Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.
- Chỉ huy công an cấp dưới chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên về tổ chức và hoạt động của đơn vị công an được giao phụ trách. Chỉ huy công an địa phương chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên và trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có chức vụ hoặc cấp bậc hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ hoặc cấp bậc hàm thấp hơn.
Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ cao hơn nhưng cấp bậc hàm ngang hoặc thấp hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có cấp bậc hàm ngang hoặc cao hơn nhưng chức vụ thấp hơn.