Ngày 13/9 hàng năm là dịp cán bộ Tòa án cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của hệ thống TAND, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ luôn khắc ghi và tri ân những công lao của các thế hệ đi trước đã có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển hệ thống TAND.
Cách đây 75 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C, thành lập các Toà án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Toà án và từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân.
Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Trong đó các Toà án quân sự được thành lập có thẩm quyền: "xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà...". Sau khi thành lập, các Toà án quân sự đã tổ chức xét xử nghiêm minh, trừng trị kịp thời đối tượng phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ; thi hành nghiêm chỉnh những sắc lệnh, quy định của Chính phủ mới ban hành.
Để tiếp tục kiện toàn hệ thống Toà án phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 24/01/1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán. Theo đó, đã thành lập hệ thống Toà án thường (sau này được đổi tên thành Tòa án nhân dân), bao gồm: các Toà án sơ cấp (ở huyện), các Toà án đệ nhị cấp (ở tỉnh) và ba Toà Thượng thẩm (ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ).
Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Tòa án năm 1960 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Toà án nhân dân. Theo đó, hệ thống các Toà án nhân dân gồm: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện và các Toà án quân sự. Chế độ hai cấp xét xử được các Toà án nhân dân thực hiện. Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự về đường lối xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc công tác xét xử của các Toà án. Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử để đảm bảo có sự tham gia của nhân dân.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, Nhà nước ta đã khẩn trương thành lập các Toà án ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Trị trở vào). Hàng ngàn cán bộ, Thẩm phán và cán bộ lãnh đạo của các Toà án địa phương miền Bắc đã được điều động vào công tác ở các tỉnh phía Nam, cùng với lực lượng cán bộ tại chỗ làm nòng cốt nên chỉ trong thời gian ngắn, các Toà án nhân dân thuộc các địa phương phía Nam đã được thành lập và sớm đi vào hoạt động, phục vụ kịp thời cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các tỉnh miền Nam mới được giải phóng.
Từ sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; các Tòa án nhân dân cũng có những đổi mới quan trọng để đáp ứng tình hình thực tế và yêu cầu của cải cách tư pháp. Năm 1994, Trọng tài kinh tế Nhà nước sáp nhập vào hệ thống Toà án nhân dân; đồng thời Tòa án nhân dân được giao thêm thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế và yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Tiếp theo đó, Toà án nhân dân tiếp tục được giao thêm thẩm quyền giải quyết, xét xử các tranh chấp lao động và các khiếu kiện hành chính. Cùng với việc giải quyết tốt các vụ án hình sự, dân sự, các Toà án đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mới được giao, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ năm 2002 đến năm 2013, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Thẩm quyền của Tòa án tiếp tục được mở rộng, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức. Hoạt động của các Tòa án trong giai đoạn này tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm; vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao. Hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác... Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình Cải cách nền tư pháp của đất nước, đánh dấu bước phát triển mới của các Tòa án nhân dân, khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua 78 năm hoạt động, Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Đội ngũ giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển; trình độ đội ngũ cán bộ Tòa án đã được chuẩn hóa một bước.
Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã được tích cực thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và có chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật nước nhà. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, giải đáp các vướng mắc đã được quan tâm đẩy mạnh với nhiều đột phá mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử, nâng cao hiệu quả công tác xét xử.
Trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển; trình độ đội ngũ cán bộ Tòa án đã được chuẩn hóa. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tư pháp từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Đội ngũ Hội thẩm Tòa án cũng không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các Toà án.
Qua 78 năm xây dựng và phát triển của các Toà án, có thể thấy những thành tích của Tòa án nhân dân đạt được đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân, xin kính chúc các đồng chí sức khỏe, tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” trong sự nghiệp bảo vệ công lý.