Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, Người chỉ rõ: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã nâng lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đường lối của Đảng được thể hiện rõ nét trong một số văn kiện của Đảng: Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII (ngày 30/5/1994) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 55/CT-TW ngày 28/06/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Ngày 20/02/1990, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, đặt ra trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật quốc tế về quyền trẻ em.
Đến nay, hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung và liên quan đến sử dụng lao động trẻ em ở nước ta đã có sự hoàn thiện đáng kể, trên cơ sở quy định về quyền của trẻ em được Nhà nước bảo hộ, nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em, Quốc hội đã ban hành Luật trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 05/04/2016, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 trong đó quy định các vấn đề liên quan đến lao động chưa thành niên. Bên cạnh đó, còn có các nghị định, thông tư cụ thể hóa các vấn đề này như: Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 17/01/2022 của Chính phủ, Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 12/11/2020.
1. Một số quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên
- Theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 , lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi, trong đó:
· Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; Phá dỡ các công trình xây dựng; Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH. Hoặc không được làm việc ở dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.
· Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục công việc tại phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.
· Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên
· Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
· Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
· Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng; bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
· Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
- Về thời giờ làm việc của người chưa thành niên: Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định
· Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
· Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.
· Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH ban hành
2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên
- Về độ tuổi tối thiểu tham gia lao động: Mục 35 Phụ lục III Thông tư số 09/2020 quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm các công việc trên tàu đi biển, trừ trường hợp đủ 16 tuổi trở lên. Nếu hiểu rằng, người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được làm công việc trên tàu đi biển, miễn là không thuộc các danh mục công việc quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019 thì có thể tạo kẽ hở cho người sử dụng lao động lợi dụng sự không rõ ràng trong quy định để bóc lột lao động chưa thành niên.
- Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của lao động trẻ em:
BLLĐ năm 2019 quy định lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì được phép làm việc không quá 08 tiếng/ngày và 40 giờ/tuần (Điều 146). So với lao động thành niên, lao động chưa thành niên làm việc ít hơn 08 tiếng/tuần chưa hẳn đã đảm bảo thời gian cho trẻ được nghỉ ngơi, học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và các hoạt động khác.
BLLĐ năm 2019 quy định lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến 18 tuổi được làm thêm giờ và làm việc ban đêm một số công việc theo quy định pháp luật (khoản 2 Điều 146). Tuy nhiên, Khuyến nghị số 146 của ILO về tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc cấm làm thêm giờ đối với lao động trẻ em để đủ thời gian cho việc giáo dục, nghỉ ngơi và các hoạt động khác (Đoạn 13). Như vậy, pháp luật Việt Nam chưa tương thích với công ước quốc tế về quy định này.
Về thời giờ nghỉ ngơi, hiện nay vẫn chưa có quy định riêng cho lao động chưa thành niên, mà vẫn theo quy định về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động nói chung (từ Điều 109 - 116 BLLĐ năm 2019), do đó, cần bổ sung quy định thời gian nghỉ ngơi cụ thể nhằm bảo vệ tối ưu quyền lợi chính đáng cho lao động này, phòng tránh việc lạm dụng lao động trẻ em.
Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động chưa thành niên, các cơ quan có chức năng tham mưu, xây dựng pháp luật cần tổng hợp những vướng mắc trên thực tế, lắng nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đến vấn đề lao động, trẻ em, khảo sát trực tiếp những đối tượng là lao động chưa thành niên để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo tương thích với các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.