Điều 1 Luật Công đoàn 2012 quy định: Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo khoản 1 điều 170 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định: Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định, người lao động có quyền quyết định gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Căn cứ theo các quy định dẫn chiếu nêu trên, Quý khách có quyền quyết định việc tham gia hoặc không tham gia công đoàn. Người sử dụng lao động không được quyền ép người lao động phải tham gia công đoàn.
Theo quy định tại Điều 6, điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động thì có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với cá nhân), từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (đối với tổ chức).