Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nêu:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, khi xác định là tài sản chung của vợ chồng thì bất kỳ hành động nào liên quan đến chiếm hữu, sử dụng hay định đoạt tài sản chung đều phải có thoả thuận giữa hai vợ chồng, thậm chí trường hợp tài sản có giá trị lớn và quan trọng thì việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản rõ ràng.
Để bảo vệ tài sản chung nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân cũng như đảm bảo cho việc giải quyết ly hôn, chị A có thể yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể các biện pháp có thể áp dụng để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản chung của vợ chồng như: Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; Kê biên tài sản đang tranh chấp.
Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước như sau:
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.