Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
+ Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
+ Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;
+ Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.
Kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm không?
Việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm không được quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP như sau:
Đăng ký bản công bố sản phẩm
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
3. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì phải đăng ký bản công bố sản phẩm.