Theo Điều 8 Nghị định 158/2024/NĐ-CP quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô như sau:
(1) Đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có một hoặc các loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô quy định tại khoản (2), khoản (3) và khoản (4) thì được tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô theo loại hình đã đăng ký.
(2) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cảnh của xe niêm yết cụm từ “TAXI TẢI" theo Mẫu số 08 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh vận tải.
(3) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng
- Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng không thể chia nhỏ, tháo rời, khi vận chuyển trên đường bộ làm cho phương tiện hoặc tổ hợp phương tiện bị vượt quá giới hạn cho phép tham gia giao thông đường bộ về kích thước, khối lượng theo quy định của pháp luật;
- Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, phải thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
(4) Kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm
- Kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia;
- Khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
(5) Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa, trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản (2), khoản (3).
(6) Xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” theo Mẫu số 09 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
(7) Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định việc xếp hàng hóa lên xe ô tô.
(8) Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cấp cho lái xe Giấy vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng.
(9) Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
(10) Đối với hoạt động vận chuyển xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự qua hầm đường bộ áp dụng theo quy định tại khoản (4).
(11) Giấy vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm: tên đơn vị vận tải; biển kiểm soát xe; tên đơn vị hoặc người thuê vận tải; hành trình (điểm đầu, điểm cuối); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thực hiện lưu trữ Giấy vận tải của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 03 năm.
(12) Việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô từ 01/01/2025
- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:
+ Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận tải và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;
+ Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;
+ Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.
- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có nghĩa vụ sau đây:
+ Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hàng hóa thay mình thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;
+ Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa;
+ Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện vận tải;
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe và thực hiện các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận tải, giao nhận hàng hóa;
+ Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.
(Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024).