Theo Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có quy định một trong các hành vi bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội vu khống:
Người nào "bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" hoặc "bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền".
Cấu thành hành vi cá nhân đưa thông tin sai sự thật.
Về hành vi, có một trong ba dạng hành vi sau đây:
Hành vi thứ nhất: Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…
Hành vi thứ hai: Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc ngưòi phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng…) cho người khác.
Hành vi thứ ba: Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện Ịnột tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát… mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Về hậu quả. Trong trường vì hành vi nêu trên dẫn đến gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì đây là dấu hiệu cơ bản cấu thành của tội này.
Khách thể của tội phạm
Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.
Mặt chủ quan của tội phạm
Động cơ, mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiêu cấu thành cơ bản của tội này.
Lỗi của người thực hiện hành vi theo dạng thứ nhất của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Lỗi của người phạm tội trong dạng hành vi thứ hai là lỗi cố ý. Người phạm tội biết thông tin mà mình loan truyền là sai sự thật nhưng đã loan truyền nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu người phạm tội nhầm tưởng thông tin mình loan truyền là đúng sự thật thì hành vi này không cấu thành tội này.
Lỗi của người phạm tội trong dạng hành vi thứ ba là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.
Chủ thể của tội phạm
Là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật
Hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm:
Xử phạt hành chính:
Nghị định 174/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Như vậy, mức xử phạt có thể lên tới 30 triệu cho hành vi này
Xử lý hình sự
Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn sai sự thật và tin đồn đó có tính chất vu khống người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Hành vi xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Đối với hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn sai sự thật và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 “Bộ luật hình sự 2015”, người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.