Mỗi hoạt động khởi nghiệp đều bắt đầu từ ý tưởng và đó là hạt nhân hình thành tài sản trí tuệ - quyền sở hữu trí tuệ. Từ ý tưởng ban đầu đó, doanh nghiệp đã xây dựng và hình thành lên các sản phẩm, dịch vụ mang đến cho người tiêu dùng và không ít ý tưởng đã trở thành tài sản vô hình có giá trị, tạo ra lợi thế trong kinh doanh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tạo lập và bảo vệ tài sản trí tuệ mà mình đang nắm giữ.
Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo trong mọi lĩnh vực, bảo đảm cho việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội mà không bị người khác đánh cắp, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư cho phát triển công nghệ mới.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém sẽ tạo kẽ hở cho các hoạt động sao chép một cách bất hợp pháp các băng đĩa, phần mềm máy tính, công nghệ hiện đại, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…
Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển giao công nghệ. Một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm, tao ra cơ hội tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho hoạt động đầu tư, phát triển nền kinh tế - xã hội. Cách đây một thập kỷ, vấn nạn xâm phạm bản quyền đã trở thành rào cản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ lo ngại về mối nguy hại này và xem việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố quan tâm hàng đầu trước khi nhà đầu tư bỏ vốn vào Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ, các quy định của các văn bản tương đối chặt chẽ, đồng bộ từ các quy định trong Hiến pháp đến các luật chuyên ngành như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hải quan, v.v... và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và đã đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) và các điều ước quốc tế cơ bản liên quan đến sở hữu trí tuệ, như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), quyền sở hữu trí tuệ được chia thành 3 nhóm (mang tính chất tương đối) là quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng mới.
Trong đó, các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp xuất hiện phổ biến trong hoạt động sản, kinh doanh của doanh nghiệp phải kể đến là nhãn hiệu, tên thương mại, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý,…
- Đối tượng bảo hộ nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu phải là các dấu hiệu được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc, bởi vậy các dấu hiệu âm thanh, mùi vị và các dấu hiệu không nhìn thấy được bằng mắt thường sẽ không được bảo hộ; đồng thời có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng
- Đối tượng bảo hộ tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác nhau trong cùng một lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh được hiểu là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng. Tên thương mại có điểm chung với nhãn hiệu ở chỗ chúng đều thực hiện chức năng phân biệt. Tuy nhiên, trong khi nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp thì tên thương mại lại dùng để phân biệt bản thân các doanh nghiệp với nhau. Để được bảo hộ, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh
- Đối tượng bảo hộ sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế có thể được bảo hộ dưới dạng yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng 03 điều kiện có tính mới (so với trình độ kỹ thuật trên toàn thế giới); có trình độ sáng tạo (tính không hiển nhiên) và có khả năng áp dụng công nghiệp (có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt); hoặc bảo hộ dưới dạng yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện: không phải là hiểu biết thông thường và có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Đối tượng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Kiểu dáng được thể hiện trên sản phẩm, bộ sản phẩm. Để được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng ba điều kiện: có tính mới (so với thế giới), có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng
- Đối tượng bảo hộ bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Để được bảo hộ, thông tin liên quan phải đáp ứng các điều kiện sau: không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác
- Đối tượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Để được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng hai điều kiện: sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn đó quyết định.
Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Theo pháp luật hiện hành, chủ thể quyền có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (biện pháp tự bảo vệ);
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm. Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, người có hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự;
- Khởi kiện ra toà án để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Để góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, húc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó có nội dung thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ như xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tư vấn định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại và nhãn hiệu.
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 1905/QĐ-BKHCN ngày 23/9/2022 về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ và Cổng Dịch vụ công Quốc gia giai đoạn 2022-2023.
Riêng tại Quảng Ninh, ngày 09/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 313/2020/NQ-HĐND về cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, theo đó, hỗ trợ bằng tiền đối với các hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mức tối đa lên đến 60 triệu đồng/ đơn đăng ký được chấp nhận.
Mặc dù đã có nhiều chính sách và giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận, thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn tài chính và nhân lực để đầu tư tạo lập tài sản trí tuệ nên còn e ngại và thiếu quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, thời gian thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế tương đối dài: trên 02 năm đối với sáng chế, 01 năm đối với nhãn hiệu, khoảng 10 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp.
Mặt khác, việc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cũng chưa khả thi. Việc áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ) thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong khi đó quá trình thực hiện theo các thủ tục tố tụng thường diễn ra trong nhiều tháng, khiến các doanh nghiệp hầu như không thể chủ động theo đuổi đến cùng vụ việc vi phạm, chưa kể đến việc thu thập, nộp kèm chứng cứ chứng minh hợp pháp để hành vi xâm phạm quyền SHTT không phải việc dễ dàng.
Sau hơn 15 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ, nhưng chưa tương xứng so với số lượng doanh nghiệp đã thành lập và đang hoạt động hiện nay.
Để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp trong nước và tiến tới xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu “tự thân” của doanh nghiệp trên cơ sở nhận thức rõ giá trị tài sản trí tuệ trong việc vận hành và phát triển, chủ động quản lý, sử dụng tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.
Về chính sách pháp luật, để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; rút gọn các thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp,…
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan đến vấn đề tài chính, thủ tục hành chính, cũng cần quan tâm phát triển đội ngũ chuyên trách, trong đó có cả việc huy động đội ngũ luật sư vào hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thực thi các quyền bảo vệ trước hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhằm "nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hàng ngày" và "để biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển các xã hội trên toàn cầu", Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã lấy ngày 26/04 hằng năm là ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Day).