Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, làm 27 người chết, 98 người bị thương. Quý I/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh, làm chết 10 người, bị thương 39 người; trong đó 7 vụ liên quan đến học sinh (dưới 18 tuổi). Qua điều tra nguyên nhân các vụ TNGT liên quan đến học sinh, có hơn 71% số vụ tai nạn liên quan đến học sinh điều khiển phương tiện mô tô có dung tích xi lanh trên 50 phân khối (chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện).
Theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định độ tuổi lái xe tham gia giao thông như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và những chỉ đạo trực tiếp từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Phòng CSGT, Công an tỉnh và Công an các địa phương đã có nhiều giải pháp, cách làm đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông an toàn tại các cơ sở giáo dục đạt được hiệu quả thiết thực. Các mô hình an toàn giao thông, đặc biệt là mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được củng cố và xây dựng bài bản, đi vào thực chất; công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT với các nhà trường trong việc xử lý vi phạm, quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT được thực hiện chặt chẽ, qua đó tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thậm chí là phụ huynh học sinh vi phạm Luật giao thông.
Thực tế cho thấy, để xây dựng văn hóa giao thông văn minh, trước tiên việc chấp hành Luật Giao thông phải bắt đầu từ chính mỗi thành viên trong từng gia đình. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng Công an, ngành Giáo dục, còn cần sự vào cuộc toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, Mặt trận tổ quốc các cấp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tăng cường giám sát hoạt động giám sát thực thi Luật giao thông từ cộng đồng; nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông của từng người dân.