Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề; gây ra những tác động, phần lớn là tiêu cực, tới việc thực hiện các hợp đồng thương mại, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ. Việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng nhằm mục đích miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm nghĩa vụ trong bối cảnh dịch bệnh là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (13). Phù hợp với quy định này của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại 2005 cũng coi “sự kiện bất khả kháng” là căn cứ cho bên vi phạm được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm (14).
Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, các quy định pháp luật có liên quan và điều kiện cụ thể của từng vụ việc trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm mà bên vi phạm được miễn có thể bao gồm, nhưng không giới hạn bởi việc thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận theo hợp đồng; Bồi thường thiệt hại theo hợp đồng; Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (15); Trả tiền phạt vi phạm; Thanh toán lãi suất…
Để có thể được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ cần phải thực hiện các công việc sau đây: (i) Thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra (16); (ii) Chứng minh về sự kiện bất khả kháng.
Việc chứng minh về sự kiện bất khả kháng vô cùng quan trọng nhằm làm rõ căn cứ pháp lý của việc áp dụng quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên về việc miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp sự kiện bất khả kháng đã xảy ra trên thực tế được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, ví dụ: bão cấp 10 trở lên, nước lụt trên 02m, giãn cách xã hội, thiên tai, bạo loạn, hỏa hoạn…, việc thu thập, chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ về sự hiện diện của sự kiện bất khả kháng sẽ đơn giản và thuận lợi hơn. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về sự kiện bất khả kháng, việc xác định về sự hiện diện của sự kiện này thường được xem xét trên cơ sở các dấu hiệu: (i) Khách quan; (ii) Không thể lường trước được; và (iii) Không thể giải quyết, khắc phục được, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, các tài liệu, chứng cứ về ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện bất khả kháng đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm; nỗ lực khắc phục và/hoặc ngăn chặn hậu quả từ phía bên vi phạm là những tài liệu bổ trợ cần thiết, giúp cho bên vi phạm được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận và/hoặc bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng.
Ngoài ra, những căn cứ, lập luận, quy định pháp luật, án lệ, tập quán thương mại, thông lệ… về các vụ việc áp dụng tương tự pháp luật là hữu ích, đặc biệt đối với trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm được miễn đối với bên vi phạm.
Áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng trong bối cảnh dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (17): Sản xuất bị gián đoạn hoặc tạm ngừng, tiết giảm biên chế, thiếu nguyên vật liệu, không tiêu thụ được sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm đơn hàng, mất khả năng thu hồi nợ, giảm khả năng thanh toán, thiếu hụt chuyên gia…; việc thực hiện các hợp đồng thương mại, bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ bị gián đoạn và trong nhiều trường hợp không có khả năng thực hiện. Liệu Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng và doanh nghiệp có thể áp dụng các quy định về “bất khả kháng” để được miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hay không? Đây là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp với mong muốn duy trì hoạt động và có khả năng vực dậy, phát triển sản xuất kinh doanh sau khủng hoảng dịch bệnh.
Việc diễn giải và chấp nhận/không chấp nhận Covid-19 nói chung hay một sự kiện xảy ra do tác động của Covid-19, ví dụ: Giãn cách xã hội ở từng địa phương, di chuyển phải có giấy đi đường, số lượng nhân công giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng… là sự kiện bất khả kháng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và/hoặc quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng có liên quan, bao gồm pháp luật quốc gia và/hoặc pháp luật quốc tế.
Trong một số hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, các bên đã đưa “dịch bệnh” vào danh sách các sự kiện bất khả kháng, nhưng cho đến nay, hãn hữu có trường hợp Covid-19 được nêu cụ thể trong danh sách này. Điều này chỉ có thể thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng khi có được sự đồng thuận giữa các bên tham gia hợp đồng về sự kiện bất khả kháng này. Trong trường hợp các bên không thống nhất về cách hiểu và cách áp dụng sự kiện bất khả kháng đã thỏa thuận thì bên vi phạm cần phải có những căn cứ, lập luận và chứng cứ về mối liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp của “dịch bệnh” hoặc “tác động của Covid-19” đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các quy định pháp luật có liên quan không quy định về các trường hợp cụ thể liên quan tới Covid-19, việc xác định sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm, thông thường sẽ tuân theo các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 với ba dấu hiệu: Khách quan; Không thể lường trước được; Không thể giải quyết, khắc phục được; với sự hỗ trợ của các tài liệu, chứng cứ về việc: đã xảy ra sự kiện bất khả kháng; Sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng; Bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục.
Trong mọi trường hợp, dù các bên có thỏa thuận hay không có thỏa thuận, để được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 1 Điều 295 Luật Thương mại 2005, cụ thể là thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra và chứng minh về sự kiện bất khả kháng.