Từ ngày 01/7/2023, ngoài chính sách tăng lương cơ sở, các chính sách về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghỉ hưu trước năm 1995 được quy định thế nào? - Minh Thái (TP.HCM)
Tăng lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023
Cụ thể tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng chính thức vào ngày 01/7/2023.
(Mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng)
Từ ngày 01/7/2023, tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Cùng với chính sách tăng lương cơ sở, Quốc hội còn quyết định:
- Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
- Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Lương hưu thay đổi thế nào sau khi điều chỉnh lương cơ sở?
(1) Mức đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Theo đó, mức đóng BHXH được dựa trên mức lương cơ sở. Trường hợp lương cơ sở được điều chỉnh tăng 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023, mức đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng theo.
(2) Mức hưởng lương hưu
Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần như sau:
- Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2016.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như quy định sau đây:
Cụ thể, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, đối với nhóm đối tượng người lao động tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo.
Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội sau khi tăng lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội bao gồm: Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con; Mức dưỡng sức sau thai sản; Mức trợ cấp mai táng; Mức trợ cấp tuất hằng tháng được căn cứ dựa trên mức lương cơ sở, đơn cử như:
- Khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
- Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở…
Như vậy, trong trường hợp mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng thành 1.800.000 đồng/tháng thì các khoản trợ cấp nêu trên sẽ cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tương ứng dựa theo quy định pháp luật.