Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP gồm 12 Chương với 135 Điều được ban hành sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước bảo đảm thực hiện có hiệu quả Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024).
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP sẽ cụ thể hóa các quy định về lựa chọn nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, đặc biệt là mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đồng thời tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Được kỳ vọng sẽ xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, khuyến khích hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Việc ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng như quy định các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực thi các chính sách về đấu thầu.
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có sự kế thừa và hoàn thiện các quy định đã áp dụng ổn định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Đối với xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu, để tăng tính răn đe và chế tài xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có nhiều hành vi vi phạm dẫn đến bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã quy định tổ chức, cá nhân có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thuộc cùng phạm vi quản lý của người có thẩm quyền thì thời gian cấm tham gia hoạt động đấu thầu được xác định bằng tổng thời gian cấm đối với từng hành vi vi phạm.
Có nhiều quy định giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa trong cải cách, nâng cao hiệu quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đi đôi với tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng, trường hợp đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu mà kế hoạch lựa chọn nhà thầu có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Với trường hợp hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phát hành trước ngày 1/1/2024 thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.