1. Các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Theo Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:
Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
- Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
+ Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
+ Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
+ Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
+ Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại khoản 3 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019) như sau:
- Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Như vậy, thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày, trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần kiểm tra thì thời gian kéo dài không quá 150 ngày.
3. Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ. công chức
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Trừ trường hợp quy định tại mục 4, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên.
(Khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019))
4. Các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật
Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
(Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019)