Vừa qua, chủ chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nơi xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đêm 12, rạng sáng ngày 13/09/2023 đã bị Công an thành phố Hà Nội khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều 313 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù.
Bình luận:
1. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về phòng cháy hoặc chữa cháy. Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó…
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
* Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Đây là những quy định của Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân.
* Mặt khách quan của tội phạm
- Tội phạm được thể hiện ở hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, như: hút thuốc trong kho xăng, dùng đèn dầu hỏa để soi trong kho xăng, đốt củi có nhiều tán tro bay gần khu vực để xăng dầu hoặc các chất dễ cháy khác,…Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Khi xử lý hành vi vi phạm cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy ở từng lĩnh vực.
- Hậu quả là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm, cụ thể:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra là dấu hiệu bắt buộc cần xem xét trong cấu thành tội phạm.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
- Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.
* Chủ thể của tội phạm:
- Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi theo luật định.