1. Xử phạt vi phạm hành chính về nghĩa vụ quân sự
Chương 2 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; cơ yếu; trong đó, các hành vi vi phạm liên quan đến nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể như sau:
1.1 Vi phạm về đăng ký nghĩa vụ quân sự
Theo khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), xử phạt vi phạm đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định như sau
- Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với:
· Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên;
· Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;
· Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;
· Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
· Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
1.2 Vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
Căn cứ Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
· Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
· Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
1.3 Vi phạm quy định về nhập ngũ
Vi phạm quy định về nhập ngũ xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
"Lý do chính đáng", hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” được hướng dẫn bởi Điều 5 và Điều 6 Thông tư 95/2014/TT-BQP.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 02 trường hợp đã nêu ở trên.
1.4 Vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự
Theo Điều 9 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định việc xử lý vi phạm về thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
· Báo cáo không đầy đủ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không đầy đủ số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định;
· Cố ý báo cáo không chính xác danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không chính xác số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
· Không báo cáo danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi;
· Không báo cáo số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận trở lại trường học; không tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về vi phạm quy định nghĩa vụ quân sự
Đối với các hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015:
· Cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
· Ngoài ra, công dân có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu vi phạm:
· Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
· Phạm tội trong thời chiến;
· Lôi kéo người khác phạm tội.
1. Phổ biến pháp luật
Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng mạng xã hội năm 2022 cần lưu ý những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Bộ quy tắc ban hành kèm Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021, 10 lưu ý dành cho cán bộ, công chức, viên chức khi sử dụng mạng xã hội như sau:
(1) Trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội cần tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng;
(2) Nên sử dụng họ, tên thật của mình khi đăng ký tài khoản mạng xã hội để xác thực đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội;
(3) Tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh;
(4) Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
(5) Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
(6) Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...
(7) Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
(8) Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
(9) Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội;
(10) Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức.