1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là bao nhiêu?
1.1. Hình thức phạt tiền
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động.
- Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động.
- Kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác.
- Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
1.2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngoài hình thức phạt tiền nêu trên, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi thực hiện hành vi kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác. Cụ thể, biện pháp khắc phục hậu quả là:
Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với trường hợp cá nhân vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập tổ chức đại diện người lao động. Còn đối với tổ chức, mức xử phạt sẽ gấp đôi cá nhân (Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ như thế nào đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở?
Căn cứ theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở:
- Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
- Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.
- Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
+ Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định.
+ Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động, ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
- Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công ty không được quyền phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Nếu có hành vi phân biệt đối xử thì tùy vào từng hành vi cụ thể mà sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng đã được nêu trên.