Tranh chấp đất đai nói chung, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng là một trong những tranh chấp phức tạp nhất trong các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền tòa án. Có rất nhiều vấn đề làm cho việc giải quyết loại tranh chấp đất đai gặp khó khăn.
Những nguyên nhân cơ bản làm cho việc giải quyết tranh chấp đất đai gặp khó khăn phức tạp
Một là do sự quản lý yếu kém kéo dài của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai được thể hiện trong việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất không đày đủ, tình trạng hồ sơ bị thất lạc, đứt đoạn thông tin là không hiếm, không cập nhật được di biến động về thửa đất (do thực hiện các giao dịch, chuyển từ đất tập đoàn, hợp tác xã sang cá nhân, hộ gia đình quản lý vv…); thông tin trong hồ sơ về thửa đất thiếu, không chính xác (không chính xác về kích thước, số đo, diện tích, hình thù thửa đất, trên đất có tài sản như các công trình xây dựng, nhà ở không được thể hiện trong giấy chứng nhận xuất phát từ quy định, cách làm không hợp lý của cơ quan quản lý về đất đai tạo nên …); chậm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp; nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, , đối với đất rừng khi giao không cụ thể trên thực địa, không rõ ranh giới, chồng lấn khi giao dẫn đến tranh chấp; giấy chứng nhận ghi cấp cho hộ gia đình nhưng chính cơ quan quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không biết những ai trong hộ có quyền đối với diện tích đất này; nguồn gốc ban đầu là đất của thành viên trong hộ nhưng khi cấp giấy chứng nhận thì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi hộ gia đình, song hồ sơ không thể hiện rõ việc chuyển từ đất của cá nhân thành đất của “hộ gia đình”. Qua tìm hiểu tác giả nhận thấy có trường hợp đất của cá nhân nhưng quá trình làm thủ tục cấp giấy cán bộ yêu cầu người xin cấp giấy chứng nhận phải ghi cả vợ hoặc chồng thì mới làm thủ tục cấp giấy nên phản ánh không đúng thực trạng …Bên cạnh đó việc cung cấp thông tin cho đương sự, cơ quan giải quyết tranh chấp không hiếm trường hợp cung cấp không kịp thời, thiếu chính xác.
Khi hồ sơ về thửa đất không bảo đảm độ tin cậy, cơ quan quản lý không cung cấp được những thông tin cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp hoặc cung cấp không chính xác là trở ngại rất lớn cho việc giải quyết nhanh và chính xác các vụ tranh chấp về đất đai.
Hai là do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi liên tục và nhanh chóng trong một thời gian dài, nhưng mỗi lần thay đổi không có các quy định của pháp luật minh định rõ các quan hệ đất đai hình thành trên thực tế trong các thời đoạn đó, tạo ra những điểm mờ trong quan hệ về đất đai, phải nghiên cứu, xem xét nhiều quy định trong đó có cả loại văn bản thuộc về chính sách đất đai (trong mỗi thời kỳ) khi giải quyết một vụ tranh chấp.
Từ chỗ đất đai không được coi là tài sản, không được công nhận là di sản thừa kế nên người có quyền sử dụng đất không được để thừa kế quyền sử dụng đất cho người khác, quyền sử dụng đất không phải là đối tượng của giao dịch dân sự (Điều 5 Luật đất đai năm 1987[1] *) dù thực tế người dân vẫn giao dịch. Từ quy định của Luật đất đai năm 1987 diện tích đất mà người có quyền sử dụng hợp pháp đã quản lý, khai thác trong nhiều năm, nhưng khi chủ thể này chết thì quyền sử dụng đất đó không được xử lý theo pháp luật thừa kế tài sản mà xử lý theo chính sách, pháp luật về đất đai do cơ quan quản lý đất đai thực hiện, và từng nơi xử lý vấn đề này rất khác nhau.
Khi Luật đất đai năm 1993, Bộ luật dân sự năm 1995 được Quốc hội thông qua dù đã có nhiều cởi mở, đã công nhận quyền sử dụng đất là di sản. Tuy nhiên, quy định về thừa kế quyền sử dụng đất là di sản trong Bộ luật dân sự năm 1995 chủ yếu mang tính nguyên tắc nhiều hơn, còn trong thực tế rất nhiều diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất do người chết để lại không trở thành di sản. Sở dĩ như vậy một phần xuất phát từ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất được quy định trong Luật đất đai năm 1993.
Theo khoản 3 điều 38 Luật đất đai năm 1993 thì chỉ “các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp và tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do tòa án giải quyết”. Từ quy định tại Điều 38 Luật đất đai năm 1993 trên thực tế chỉ có một phần quyền sử dụng đất do người chết để lại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mới được coi là di sản và chia thừa kế nếu có tranh chấp, còn phần diện tích thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân không được xử lý theo luật thừa kế mà theo chính sách đất đai[2]. * Mặt khác, những quy định về chủ thể, điều kiện để được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất mà Bộ luật dân sự năm 1995 quy định đã tạo ra rào cản để phần lớn quyền sử dụng đất không trở thành di sản chia theo luật thừa kế. Ví dụ nếu là đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, trong hộ gia đình có thành viên chết thì phần đất của họ không chia thừa kế mà thành viên khác trong hộ được sử dụng, nếu trong hộ gia đình không còn thành viên nào thì Nhà nước thu hồi đất đó (Điều 744). Đối với những loại đất khác, chủ thể khác có quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất có thể được coi là di sản nhưng thực tế việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất, hưởng thừa kế quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện nhất định (được thể hiện tại các Điều 739, Điều 740, Điều 741, Điều 742, Điều 743 Bộ luật dân sự năm 1995[3] *), nếu không thỏa mãn điều kiện do Bộ luật quy định cũng không được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất.
Đến khi Bộ luật dân sự năm 2005 được quốc hội thông qua đã bỏ các quy định về điều kiện hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, nhưng theo quy định tại Điều 135 và Điều 136 của Luật đất đai năm 2003[4] * thì dù đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án, song vẫn có một tỷ lệ quyền sử dụng đất không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (đó là loại đất mà người sử dụng đất mới đứng tên trong sổ mục kê, sổ dã ngoại…), điều đó cũng đồng nghĩa với việc quyền sử dụng đất của người chết để lại không được phân chia theo luật thừa kế. Sự bất hợp lý này làm xuất hiện những quan điểm khác nhau về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về thừa kế quyền sử dụng đất, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thiếu thống nhất đã được tác giả trình bày trong bài “Thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế và thời điểm tính thời hiệu thừa kế quyền sử dụng đất” trang 256 cuốn “Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử” do Nhà xuất bản tư pháp ấn hành năm 2017.
Ba là từ thời điểm mở thừa kế đến khi có tranh chấp, khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế thường có khoảng thời gian khá dài. Trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 được thông qua thì thời hiệu thừa kế chỉ mười năm nhưng trên thực tế tòa án phải thụ lý giải quyết các tranh chấp thừa kế mà tính từ thời điểm mở thừa kế đến khi các bên tranh chấp khởi kiện ra tòa án cũng đã vài chục năm, do xuất hiện những sự kiện mà thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện… Ví dụ quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế, Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 và Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban thường vụ quốc hội, vv…
Hiện nay theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản có thời hạn là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. * Thực tế đã xuất hiện những trường hợp tính từ thời điểm mở thừa kế đến khi khởi kiện ra tòa án đã 50 hoặc 60 năm và đặc biệt là quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-H ĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì những trường hợp khi Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 còn hiệu lực tòa án đã đình chỉ giải quyết với lý do hết thời hiệu khởi kiện, nay các thừa kế được quyền khởi kiện lại.
Những trường hợp mà thời điểm mở thừa kế đã quá lâu theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 do hết thời hiệu khởi kiện nên người dân không khởi kiện hoặc có trường hợp khởi kiện Tòa án căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện hoặc tòa án đã đình chỉ giải quyết theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Sau khi tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết thì khối di sản thừa kế là nhà đất đất đã có nhiều biến động như có trường hợp cơ quan quản lý về đất đai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một hay một vài thừa kế đang quản lý di sản, hoặc đã cấp toàn bộ hay một phần đất cho một chủ thể không phải là người thừa kế, hay thừa kế đang quản lý khối di sản là quyền sử dụng đất đã phân chia đất cho con, cháu và thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất di sản. Có trường hợp việc chuyển nhượng không chỉ qua một chủ mà đã qua nhiều chủ, các bên đã được hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì xác định tích chất của các quan hệ đó như thế nào vv …Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết là vô cùng khó khăn với tất cả các bên tham gia tố tụng; việc áp dụng pháp luật, lựa chọn đường lối giải quyết thế nào cho hợp lý là vô cùng nan giải.
Ngoài ra một số quy định trong Luật đất đai, Bộ luật dân sự năm 2015 chưa thật sự chuẩn chỉnh, ví dụ như quy định tại Điều 623 về thời hiệu thừa kế, quy định tại Điều 182 về chiếm hữu liên tục,…cũng tạo nên những khó khăn trong giải quyết tranh chấp thừa kế bất động sản nói chung, thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng.
Với những phức tạp nói trên tỷ lệ phạm sai lầm, thiếu sót sẽ tỷ lệ thuận với những khó khăn, vướng mắc mà cơ quan giải quyết tranh chấp gặp phải trong vụ án, là những nguyên nhân dẫn đến vụ án bị sửa, hủy giải quyết lại nhiều lần, nguy cơ trải qua cả chục năm thậm chí lâu hơn mới kết thúc được vụ án là điều hoàn toàn tiên liệu được.