1. Giao dịch dân sự vô hiệu và hợp đồng vô hiệu
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo quy định tại Điều 116 BLDS thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng là một loại giao dịch dân sự. Vì vậy, khi có những quy định riêng về hợp đồng thì áp dụng những quy định riêng, khi không có những quy định riêng thì phải áp dụng những quy định chung về giao dịch dân sự.
Hợp đồng là giao dịch dân sự có đặc trưng là giao dịch nhiều bên (ít nhất là hai bên) và phải có sự “thỏa thuận”. Cần lưu ý đặc trưng này để xác định thời điểm xác lập hợp đồng – một dấu hiệu quan trọng để xác định luật áp dụng (luật áp dụng là luật có hiệu lực ở thời điểm xác lập giao dịch). Thừa kế cũng là một giao dịch dân sự nhiều bên nhưng không đòi hỏi phải có thỏa thuận nên thời điểm xác lập giao dịch là thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Lập di chúc hay hứa thưởng là giao dịch dân sự đơn phương nên thời điểm xác lập giao dịch là thời điểm ký vào di chúc (di chúc viết) hay thời điểm công khai thông tin hứa thưởng. Đối với hợp đồng thì phải đến khi có sự thỏa thuận mới là có hợp đồng. Đó là thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, thời điểm xác lập hợp đồng là thời điểm giao kết hợp đồng. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 400 BLDS và có quy định cụ thể với mỗi loại hình thức hợp đồng (như hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung hợp đồng; hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên cuối cùng ký vào văn bản).
Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm xác lập hợp đồng nhưng thời điểm giao kết hợp đồng không đồng nhất với khái niệm thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được quy định ở Điều 401 BLDS). Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà có hiệu lực ở thời điểm công chứng, nếu đã công chứng mà có tranh chấp là tranh chấp hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng mua bán nhà đã được ký nhưng chưa được công chứng, nếu có tranh chấp là tranh chấp hợp đồng vô hiệu. Nếu văn bản mới chỉ có chữ ký một bên thì là trường hợp chưa có hợp đồng. Việc giải quyết tranh chấp đối với trường hợp chưa có hợp đồng không áp dụng các quy định về hợp đồng vô hiệu mà phải áp dụng các quy định khác về nghĩa vụ dân sự.
2. Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
Theo quy định tại Điều 122 BLDS thì giao dịch dân sự vô hiệu là “Giao dịch không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117”. Theo các quy định tại Chương VIII (Giao dịch dân sự) về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch sẽ bị “tuyên bố vô hiệu” chứ không có quy định “hủy giao dịch”.
Theo quy định của BLDS thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu được áp dụng cho hợp đồng vô hiệu (Điều 407). Vì vậy, đối với hợp đồng vô hiệu thì cũng phải “tuyên bố hợp đồng vô hiệu”. Một số bản án tuyên “hủy hợp đồng vô hiệu” là không đúng vì “hủy hợp đồng” hay “chấm dứt hợp đồng” là chế tài dành cho tranh chấp hợp đồng có hiệu lực.
Quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu cũng được áp dụng cho hợp đồng vô hiệu. Theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 688 BLDS thì các giao dịch được xác lập trước ngày BLDS có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Vì vậy, đối với việc xác định thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì không phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập mà chỉ áp dụng quy định của BLDS.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 132 BLDS, trong đó có một quy định mới rất quan trọng là: “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực”. Như vậy, một hợp đồng chỉ vô hiệu về hình thức, sau 2 năm kể từ ngày giao kết không có yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì sẽ có hiệu lực mà không cần phải tiếp tục hoàn thiện về hình thức. Chỉ có 2 trường hợp quy định ở khoản 3 Điều 132 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự không bị hạn chế, đó là trường hợp vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS) và trường hợp vô hiệu do “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” (Điều 123 BLDS).
3. Giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS. Khoản 1 Điều 131 là quy định có tính nguyên tắc chung cho việc xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, đó là: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập”. Như vậy, khi hợp đồng vô hiệu là mọi thỏa thuận coi như không có, khác với trường hợp “chấm dứt hợp đồng” là trường hợp trước thời điểm chấm dứt hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực, các thỏa thuận của các bên vẫn có giá trị bắt buộc với các bên đến khi chấm dứt hợp đồng, việc thi hành đúng hợp đồng trước thời điểm chấm dứt hợp đồng phải được tôn trọng.
Khoản 2 Điều 131 BLDS quy định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Theo quy định của khoản 2 này thì việc trả lại hiện vật là ưu tiên, không thể trả bằng hiện vật thì mới trả tiền. Trong thực tế, nhiều khi tài sản không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận, được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý. Đó là hướng xử lý phù hợp với nguyên tắc quy định ở khoản 1 Điều 131 BLDS.
Khoản 3 Điều 131 BLDS quy định: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”. Đây là một quy định mới so với BLDS năm 2005. Khái niệm hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 109 BLDS. Cần lưu ý phân biệt lợi tức là “khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản” với giá trị tăng thêm của tài sản do thị trường. Ví dụ: A bán một ngôi nhà cho B. B nhận nhà và trả đủ tiền mua nhà 5 tỷ đồng. B cho thuê nhà trong một năm được 150 triệu đồng. Sau một năm, A và B xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, giá nhà tăng lên là 7 tỷ đồng. Như vậy, lợi tức mà B được hưởng khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là 150 triệu đồng chứ không phải là chênh lệch giá nhà 2 tỷ đồng.
Khoản 4 Điều 131 BLDS quy định: “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trong thực tiễn xét xử, việc xác định lỗi đang có một số nhầm lẫn. Lỗi là lỗi đối với thiệt hại nhưng cụ thể trong giao dịch vô hiệu thì thiệt hại là gì và xác định lỗi như thế nào. Thiệt hại vẫn xác định theo những quy định chung về xác định thiệt hại nhưng từ Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán thì thiệt hại từ giao dịch vô hiệu còn bao gồm chênh lệch giá tài sản từ thời điểm giao dịch đến thời điểm giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hợp đồng chính vô hiệu nhưng những thỏa thuận về biện pháp bảo đảm có thể không vô hiệu nên Nghị quyết 01/2003 nêu trên đã quy định chỉ khi “không có đặt cọc và các bên không có thỏa thuận khác… thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch…”. Việc xác định lỗi cũng được hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP. Từ giá trị pháp lý của giao dịch vô hiệu quy định ở khoản 1 Điều 131 cho thấy mọi thỏa thuận trong hợp đồng là không có giá trị ràng buộc (trừ các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm) nên không thể xác định lỗi căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng. Lỗi được xác định là lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu chứ không phải là lỗi vi phạm hợp đồng.