Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 thì công chức làm công tác hộ tịch bao gồm:
- Công chức tư pháp - hộ tịch ở cấp xã;
- Công chức làm công tác hộ tịch ở Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện.
Tiêu chuẩn đối với công chức làm công tác hộ tịch
Căn cứ Khoản 2, 3 và 4 Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 thì tiêu chuẩn đối với công chức làm công tác hộ tịch cụ thể như sau:
(1) Đối với công chức tư pháp - hộ tịch ở cấp xã:
+ Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch;
+ Có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.
(2) Đối với công chức làm công tác hộ tịch ở Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Có trình độ cử nhân luật trở lên;
+ Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.
(3) Đối với viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện: Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.
Những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm
Căn cứ quy định tại Điều 74 Luật Hộ tịch 2014 thì công chức làm công tác hộ tịch không được làm những việc sau đây:
- Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà, nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch.
- Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc đặt ra các khoản thu khi đăng ký hộ tịch.
- Đặt ra thủ tục, giấy tờ, cố ý kéo dài thời hạn giải quyết đăng ký hộ tịch trái quy định của Luật Hộ tịch 2014.
- Tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
- Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái quy định của Luật Hộ tịch 2014.
- Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân mà biết được qua đăng ký hộ tịch.
Công chức làm công tác hộ tịch vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Công chức làm công tác hộ tịch có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 73 Luật Hộ tịch 2014 thì trong lĩnh vực hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về hộ tịch;
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp xã và pháp luật về việc đăng ký hộ tịch;
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực; cập nhật đầy đủ các sự kiện hộ tịch đã được đăng ký vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử;
- Chủ động kiểm tra, rà soát để đăng ký kịp thời việc sinh, tử phát sinh trên địa bàn.
Đối với địa bàn dân cư không tập trung, điều kiện đi lại khó khăn, cách xa trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã cho tổ chức đăng ký lưu động đối với việc khai sinh, kết hôn, khai tử;
- Thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật để nâng cao năng lực và nghiệp vụ đăng ký hộ tịch; tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan tư pháp cấp trên tổ chức;
- Chủ động báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp phối hợp với cơ quan, tổ chức kiểm tra, xác minh về thông tin hộ tịch; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để xác minh khi đăng ký hộ tịch; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.