1. Thời gian nghỉ Tết năm 2023 là bao nhiêu ngày?
1.1. Thời gian nghỉ Tết Dương lịch 2023
Tại điểm a khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Dịp Tết Dương lịch, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch).
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 còn quy định nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Do này 01/01/2023 rơi vào ngày Chủ nhật (là ngày nghỉ hằng tuần), nên người lao động được nghỉ bù vào Thứ hai ngày 02/01/2023.
1.2. Thời gian nghỉ Tết Âm lịch 2023
Theo quy định điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, dịp Tết Âm lịch 2023 thì người lao động sẽ được nghỉ 05 ngày.
2. Cách thức tuyển dụng thời vụ dịp Tết năm 2023 của các đối tượng lừa đảo
Trong khoảng thời gian kề cận Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2023 thì nhu cầu tìm kiếm việc làm thời vụ dịp Tết ngày càng gia tăng. Từ đó, nhiều đối tượng có hành vi lừa đảo thông qua tuyển dụng thời vụ dịp Tết cũng gia tăng theo.
Theo đó, những đối tượng này sẽ đăng tin tuyển dụng chủ yếu thông qua mạng xã hội với những thông tin hấp dẫn như:
- “Làm việc tại nhà lúc rảnh rỗi, không yêu cầu kinh nghiệm, lương 600 - 900 nghìn đồng/tuần”;
- “Tuyển đánh máy code mail làm online tại nhà, lương 50 nghìn đồng/giờ”;
- “Tìm nhân viên đánh máy theo mẫu 20 bài/200 nghìn đồng”;
- Hoặc là công ty nào đó cần tuyển nhân viên đăng bài theo mẫu có sẵn, lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng.
Và điều đặc biệt là những cá nhân đăng bài tuyển dụng thường không để lại thông tin rõ ràng về công việc, họ chỉ để lại số điện thoại liên lạc hoặc nhắn tin trực tiếp qua mạng xã hội.
3. Dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo tuyển dụng thời vụ dịp Tết năm 2023
Đối với hành vi lừa đảo tuyển dụng thời vụ dịp Tết năm 2023 có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu như sau:
3.1. Bắt đặt cọc trước khi nhận việc
Theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, đối với việc tuyển dụng thời vụ dịp Tết năm 2023 mà yêu cầu người lao động phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đặt cọc thì có thể bị xử phạt từ 20 triệu đến 25 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
(Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
3.2. Thu tiền người lao động khi tham gia tuyển dụng
Theo khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Nếu trong trường hợp người sử dụng lao động thu tiền khi tuyển dụng thì có thể bị xử phạt từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
(Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
3.3. Yêu cầu nộp phí mở tài khoản trả lương
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
(Theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019)
Do đó, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là trái quy định của pháp luật.
Từ những dấu hiệu trên thì người lao động cần cẩn trọng và lựa chọn những nơi tuyển dụng rõ ràng, uy tín khi tìm kiếm công việc thời vụ dịp Tết.